Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 15 tháng 08 năm 2024,
Cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt giảm trong phiên 15/8, khối ngoại tiếp tục mua ròng
Tùng Linh - 15/08/2024 17:17
 
Sắc đỏ lan toả trên ba sàn. Lực cầu yếu trong khi áp lực bán vẫn lớn và điều này khiến các chỉ số chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống.
.
VN-Index giảm 6,8 điểm (-0,55%) xuống 1.223,56 điểm trong phiên 15/8.

Sau khi kết phiên hôm qua (14/8) ở mức 1230,36 điểm giảm nhẹ so với phiên trước với khối lượng giao dịch giảm 9,24% so với phiên trước và bằng 62% mức trung bình, giới đầu tư chờ đợi thông tin số liệu lạm phát Mỹ công bố tối qua. Theo đó, CPI tại Mỹ tăng 0,2% trong tháng 7 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 3% của các chuyên gia kinh tế. Đây cũng là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021 thúc đẩy kỳ vọng về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9/2024.

Bước sang phiên giao dịch ngày 15/8, tưởng chừng thông tin CPI Mỹ sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư bớt bi quan hơn, tuy nhiên, diễn biến trên thị trường lại đi ngược lại. Các chỉ số giảm điểm trở lại chỉ sau ít phút mở cửa, toàn bộ thời gian giao dịch sau đó của phiên hôm nay, các chỉ số đều biến động ở dưới mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thị trường biến động cũng không quá mạnh.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm giá ở phiên hôm nay, VN-Index dù giảm chỉ khoảng 7 điểm nhưng rất nhiều các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giảm trên 2 - 3%. Tại nhóm cổ phiếu lớn, các cổ phiếu như GVR, BID, MSN, VCB, GAS, HPG… đồng loạt giảm giá và gây rất nhiều áp lực lên thị trường chung. Trong đó, GVR giảm 2,25% và lấy đi của VN-Index 0,73 điểm. BID giảm 0,85% và cũng lấy đi 0,56 điểm. Đáng chú ý, HPG tiếp tục giảm 0,98% và lấy đi của chỉ số 0,39 điểm. Không chỉ HPG, các cổ phiếu cùng ngành thép khác giảm rất mạnh, trong đó, TVN giảm đến 4,2%, HSG giảm 3,7%, NKG giảm 2,7%, VGS giảm 3,6%...

Cùng với đó, các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thuộc nhóm phân bón hóa chất, bất động sản, chứng khoán… đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, CSV tiếp tục giảm đến 5,35%, NTL giảm 2,8%, VDS giảm 2,5%, NLG giảm 2,1%...

Ở chiều ngược lại, VHM là nhân tố quan trọng nhất giúp kìm hãm đà giảm của VN-Index, cổ phiếu này chốt phiên tăng 1,75% và đóng góp cho VN-Index 0,68 điểm. LPB cũng tăng 2,08% và đóng góp 0,37 điểm. Các mã như HDB, VIB, BHN… cũng có đóng góp vào việc nâng đỡ thị trường chung.

GVR, BID, MSN, VCB dẫn đầu đà giảm của VN-Index.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,8 điểm (-0,55%) xuống 1.223,56 điểm. Toàn sàn có 109 mã tăng, 301 mã giảm và 64 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,14 điểm (-0,5%) xuống 228,54 điểm. Toàn sàn có 50 mã tăng, 100 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,51%) xuống 92,18 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 497 triệu cổ phiếu, giảm khoảng 2% so với phiên hôm qua, tương ứng giá trị giao dịch ở mức chỉ 11.540 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 811 tỷ đồng và 454 tỷ đồng.

VHM đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với khối lượng gần 17,8 triệu đơn vị. HPG và VIX khớp lệnh lần lượt 16 triệu đơn vị và 15 triệu đơn vị.

Khối ngoại kéo dài chuỗi mua ròng sang phiên thứ 5.

Khối ngoại mua ròng 120 tỷ đồng ở sàn HoSE. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã VNM với 103 tỷ đồng. FPT và CTG được mua ròng lần lượt 79 tỷ đồng và 64 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 106 tỷ đồng. TCB và HPG bị bán ròng lần lượt 74 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.

WB, ASIFMA sẵn sàng đồng hành cùng chứng khoán Việt Nam trong hành trình nâng hạng
“Nền kinh tế năng động”, “điểm đến đầu tư hấp dẫn”… là những đánh giá về Việt Nam của nhiều tổ chức. WB, ASIFMA đều khẳng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư