Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Cơ quan chuyên trách quản vốn nhà nước: Không có chuyện thu quyền từ các bộ về thành "siêu bộ "
Khánh Linh - 24/08/2016 13:26
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, với dự thảo Nghị định về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không thể có cơ hội cho siêu bộ.

Hội thảo về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước với vốn nhà nước tại doanh nghiệp: kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại nóng với câu hỏi phải chăng sẽ có một siêu bộ gánh toàn bộ các công việc mà các bộ chủ quản hiện tại với các doanh nghiệp nhà nước.

Đi kèm theo đó là rất nhiều mối lo khác. Thậm chí, ông William P. Mako, chuyên gia tư vấn Ngân hàng Thế giới được mời phản biện cho mô hình cơ quan chuyên trách này cũng đã phải đưa tới 8 vấn đề đang phải làm rõ, như cơ quan này có tách bạch được quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp không khi nó vẫn là một cơ quan thuộc Chính phủ; các quyền và trách nhiệm của người đứng đầu với Thủ tướng, Chính phủ thé nào, ví trị của cơ quan chuyên trách và việc bổ nhiệm, lựa chọn nhân sự...

.
Cơ quan chuyên trách quản lý vốn Nhà nước được đề xuất có tên gọi: Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, thuộc Chính phủ

Tuy nhiên, thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, với thiết kế của Dự thảo Nghị định về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước với vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì soạn thảo, không thể có một siêu bộ.

“Phải nói rõ là mục tiêu của cơ quan này là thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, các bộ ngành sẽ chuyên tâm quản lý nhà nước theo đúng chức năng của các bộ, ngành. Sẽ có không chuyện thu quyền từ các bộ về thành một siêu bộ”, ông Đông phân tích rõ.

Với thiết kế như vậy, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sẽ giải được bài toán nhập nhằng trong quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước với các bộ chủ quản cũng như trả doanh nghiệp nhà nước về vị trí bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước.

“Hiện tại đang có tâm lý, nếu doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công thương đi khai khoáng mà vi phạm quy định về hoàn nguyên chẳng hạn sẽ có thể được xử lý nương nhẹ hơn một doanh nghiệp tư nhân có cùng vi phạm. Hay như nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thuận lợi hơn các doanh nghiệp tư nhân... Việc tách chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi các bộ quản lý chuyên ngành sẽ giải tỏa sự nghi ngờ này”, ông Đông cho biết thêm.

Theo dự thảo Nghị định về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về doanh nghiệp nhà nước và mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước.

Cụ thể, cơ quan chuyên trách được đề xuất có tên gọi: Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban tổ chức dưới hình thức cơ quan thuộc Chính phủ. Vai trò của Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đặc biệt của Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Theo thiết kế, Ủy ban sẽ có chức năng đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiêp nhằm hợp lý hóa danh mục đầu tư, tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đây cũng là cơ quan chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, trừ các quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp và các luật có liên quan.

Cơ quan này sẽ trực tiếp chủ trì hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách sở hữu nhà nước, về tái cơ cấu, thoái vốn và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp.

Đương nhiên, cơ quan này cũng phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, Dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong tháng 9/2016.

Trật tự mới cho quản lý doanh nghiệp nhà nước: Chân dung “quyền lực mới” (kỳ 1)
Đề xuất thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước vừa được đưa ra lấy ý kiến lập tức đối mặt với nghi ngại về một siêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư