Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Cơ quan Năng lượng Quốc tế: Omicron có thể làm suy giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu
Lê Quân - 15/12/2021 08:39
 
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021 còn sang năm 2022, mức tăng này chỉ đạt 3,3 triệu thùng/ngày.
Biến thể Omicron được cho là tác nhân chính khiến nhu cầu dầu mỏ suy giảm trong năm 2022
Biến thể Omicron được cho là tác nhân chính khiến nhu cầu dầu mỏ suy giảm trong năm 2022

Cũng trong báo cáo thị trường dầu mỏ vừa công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo giá dầu Brent trung bình ước đạt 70,80 USD/thùng trong năm 2021 và sẽ giảm còn 67,60 USD/thùng vào năm 2022.

Giá dầu Brent giao kỳ hạn rớt nhẹ còn 74,27 USD/thùng vào lúc 10h sáng 14/12 (theo giờ London), trong khi giá dầu WTI giao sau của Mỹ cũng trượt nhẹ xuống còn khoảng 71 USD/thùng.

Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế lý giải rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã kéo theo những hạn chế mới đối với hoạt động đi lại quốc tế.

Số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt cùng với các biện pháp hạn chế đi lại bằng đường hàng không đang ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, nhất là việc tiêu thụ nhiên liệu máy bay.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế vẫn cho rằng dù số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao sẽ làm chậm đà phục hồi nhu cầu dầu mỏ, nhưng lộ trình phục hồi được thiết lập trong thời gian qua sẽ không hoàn toàn đi chệch hướng.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng nêu rõ, bất chấp những bất ổn trong thời gian qua, sản lượng dầu mỏ vẫn có khả năng vượt nhu cầu từ tháng 12/2021, dẫn đầu là Mỹ và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (gọi chung là OPEC+) với những mức tăng sản lượng cam kết.

Xu hướng tăng cung nói trên sẽ kéo dài trong năm 2022 khi Mỹ, Canada, và Brazil sẽ bơm dầu ra thị trường ở mức hàng năm cao nhất từ trước đến nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định: "Saudi Arabia (Ả Rập Xê-út) và Nga cũng có thể đạt sản lượng kỷ lục nếu không phải thực hiện các cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC+". Trong trường hợp này, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 6,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, gấp hơn 4 lần mức tăng trong năm 2021.

Thế nhưng, dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế về thị trường dầu mỏ toàn cầu lại trở nên mâu thuẫn với kỳ vọng của OPEC+. Trong báo cáo triển vọng thị trường công bố hôm 13/12, OPEC+ tỏ ra lạc quan hơn về sức phục hồi nhu cầu dầu mỏ trong năm tới.

OPEC+ đánh giá, biến thể Omicron sẽ tác động nhẹ đến thị trường dầu mỏ và nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt khoảng 100 triệu thùng/ngày vào quý III/2022. Liên minh này cũng ước tính nhu cầu dầu mỏ quý I/2022 sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày.

Tháng trước, OPEC+ đã tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày, nhưng vẫn không cam kết cắt giảm mức sản lượng mà họ đã thống nhất trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Trước đó, vào mùa xuân năm 2020, thời điểm mà giá dầu lao dốc thẳng đứng vì đại dịch Covid-19, OPEC+ đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô lũy kế gần 10 triệu thùng/ngày.

OPEC+ dự đoán thị trường dầu mỏ dư cung vào đầu năm 2022
OPEC+ phán đoán thị trường dầu mỏ toàn cầu trong quý I/2022 sẽ dư cung nhiều hơn ước tính, theo một báo cáo nội bộ mà Reuters có được.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư