Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Có tiêu cực ngay tại cơ quan phòng chống tham nhũng không?
Hàn Tín - 08/11/2013 08:04
 
“Có tiêu cực ngay tại cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN) không?”. Câu  hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 21 (tháng 9/2013) đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đi, nhắc lại khi thảo luận về công tác PCTN và kết quả thực hiện Nghị quyết 37/2012/QH13 tại nghị trường vào sáng qua (ngày 7/11).

Tất nhiên, để trả lời cho câu hỏi trên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, cần phải có thời gian và quyết tâm chính trị rất cao, chứ không thể hô hào, khẩu hiệu chung chung. Để làm sáng tỏ vấn đề này, theo các đại biểu Lê Như Tiến, Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Văn Hiến…, trước mắt, phải thành lập Cục Chống tham nhũng trực thuộc Ban PCTN Trung ương.

Câu hỏi về phòng chống tham nhũng của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng tại Phiên họp UBTV Quốc hội thứ 21 được nhiều
đại biểu quốc hội quan tâm

“Tham nhũng là vấn đề đau đáu cho cả hệ thống chính trị, cũng như toàn xã hội. Tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, làm xói mòn lòng tin của xã hội với chế độ. Tiêu cực trong cơ quan PCTN, nếu có thì vô cùng nguy hiểm, vì nó là lực lượng chống lại gần như cả xã hội”, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu.

Để lấy lại lòng tin của người dân với chế độ, theo ông Nghĩa, phải sớm thành lập Cục Chống tham nhũng với lực lượng đủ lớn, tinh nhuệ và có quyền lực đủ mạnh để đẩy lùi tình trạng này và làm sáng tỏ câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là liệu có tiêu cực, bao che, “giơ cao đánh khẽ” ngay trong lực lượng chủ đạo trên mặt trận chống tham nhũng.

“Cục Chống tham nhũng phải được trao ‘thượng phương bảo kiếm’ với quyền lực đủ lớn để không có bất cứ thế lực nào có thể cản trở được bước tiến trên mặt trận chống tham nhũng”, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề xuất.

Đề xuất trên của ông Tiến xuất phát từ thực tế, như ông phát biểu tại Hội trường sáng 7/11: “Nhiều đại biểu ở địa phương, trước khi đi họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương triệu đến nhắn nhủ rằng, phát biểu gì thì phát biểu, nhưng nhớ phải tránh vấn đề tham nhũng ra”.

Như vậy có thể thấy, mặc dù chưa có địa chỉ cụ thể về những thế lực đang cản trở những người chống tham nhũng, trong đó có cả những người đại diện cho dân, nhưng câu trả lời có hay không có tiêu cực ngay trong cơ quan PCTN cũng đã dần sáng tỏ.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Vũng Tàu) nêu lên một loạt vụ việc cán bộ của cơ quan nhà nước “bảo kê” cho hàng loạt lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, như nhà hàng, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ vận tải, khai thác tài nguyên thiên nhiên…

Ông Hiến cũng khẳng định, những tình trạng tiêu cực kể trên chỉ xảy ra “ở một bộ phận” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, nhưng đang làm xói mòn lòng tin của người dân với chế độ, gây bất bình trong dư luận xã hội và đã có không ít vụ việc dẫn tới tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự xã hội.

“Vì sao cây cầu chỉ cần rộng 70 m mà người ta vẫn cứ xây 145 m? Vì sao đoạn đường chỉ cần 20 - 25 m, mà người ta cứ xây 40 - 50 m?”, ông Hiến đặt câu hỏi và cũng tự đưa ra trả lời bằng thực tế là ông đã hỏi không ít người và được biết: “Làm gì cũng phải chạy”. Muốn được phê duyệt quyết định đầu tư phải chạy, muốn được giải ngân vốn cũng phải chạy… Vì vậy, nếu chỉ đầu tư đúng nhu cầu sử dụng, thì có mà “ăn cám”.

“Trước đây, chúng ta nhấn mạnh đến công tác phòng tham nhũng, bây giờ phải nhấn mạnh vào việc chống tham nhũng. Nếu chỉ thiên về phòng, mà không chống với cơ quan chống tham nhũng đủ mạnh, thì sẽ khó phát hiện thêm những Nguyễn Thanh Bình (Vinashin), Dương Chí Dũng (Vinalines), Vũ Quốc Hảo (ALC II - Công ty Cho thuê tài chính Agribank)…”, ông Hiến lo ngại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư