Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cố vấn năng lượng Mỹ: Tổng thống Biden sẵn sàng "xả" kho dầu dự trữ chiến lược
Lê Quân - 30/11/2021 15:40
 
Theo cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng "xả" thêm dầu từ nguồn dự trữ chiến lược nếu nhu cầu tăng trở lại.
Khu vực dự trữ dầu thô,ở thành phố Cushing, ban Oklahoma (Mỹ). Ảnh: AFP
Khu vực dự trữ dầu thô ở thành phố Cushing, bang Oklahoma (Mỹ). Ảnh: AFP

"Chắc chắn rồi. Đây là một công cụ có sẵn của chúng tôi và sẵn sàng được tái áp dụng", ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết trong cuộc phỏng vấn trên đài CNBC hôm 29/11.

Bình luận trên được ông Amos Hochstein đưa ra trong bối cảnh nhiều ý kiến của giới phân tích cho rằng, việc Mỹ cam kết giải phóng hàng triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược sẽ không phát huy nhiều hiệu quả, nếu OPEC và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) vẫn kiên quyết không bơm thêm nguồn cung ra thị trường.

Tuy nhiên, ông Hochstein lý giải: "Đây không phải là đợt phát hành 50 triệu thùng dầu, mà trong đó 30 triệu thùng được đem ra giao dịch và các công ty và thương nhân có thể nhận dầu ngay và hoàn trả trong một khoảng thời gian đã định". "Chúng tôi có thể linh hoạt hơn để có thể thực hiện lại việc này (mở kho dự trữ - BTV) trong tương lai nếu có nhu cầu", vị cố vấn nói thêm.

Trước đó, Tổng thống Biden có động thái đầu tiên về việc xả kho dự trữ dầu mỏ vào ngày 23/11, bằng một thông báo phối hợp với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Vương quốc Anh bơm dầu ra thị trường để hạ nhiệt giá năng lượng.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. Trong đó, 32 triệu thùng sẽ được giao dịch trên thị trường trong vài tháng tới và 18 triệu thùng còn lại sẽ được ủy quyền bán.

Liên minh năng lượng OPEC+ đã nhiều lần phớt lờ những kêu gọi của phía Mỹ về việc tăng thêm nguồn cung dầu thô trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Liên minh này dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 để thảo luận các bước đi tiếp theo trên thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, theo quan sát của giới phân tích, đến nay rất ít dấu hiệu cho thấy OPEC+ có ý định thay đổi kế hoạch sản lượng hiện tại của họ.

Giá dầu thế giới đã bật tăng trở lại trong ngày giao dịch 29/11 sau đợt giảm sâu vào cuối tuần trước. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đạt mức 74,60 USD/thùng, tăng hơn 2,5%, còn giá dầu Brent giao sau của Mỹ tăng 3,6% lên mức 70,62 USD/thùng.

Một số quốc gia đã tức tốc ban hành lệnh cấm nhập cảnh và hạn chế đi lại vào cuối tuần trước sau thông tin về biến thể mới Omicron của Covid-19. Diễn biến này khiến một số thành viên thị trường năng lượng lo ngại rằng dịch bệnh gia tăng sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu mỏ.

"Chúng ta đang sống trong một giai đoạn phục hồi kinh tế rất mong manh và chúng ta cần giải quyết những yếu tố tiềm ẩn có thể đe dọa sự phục hồi đó", ông Hochstein nhận định.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa Omicron vào diện biến thể đáng quan ngại. WHO hôm 29/11 cũng đưa ra nhận định rằng Omicron có thể gây ra nguy cơ lây lan toàn cầu "rất cao", đồng thời họ cho biết sẽ mất nhiều tuần để tìm hiểu xem biến thể mới ảnh hưởng như thế nào đến việc chẩn đoán, điều trị và vắc-xin.

OPEC+ duy trì mức tăng sản lượng dầu mỏ theo thoả thuận
Bất chấp nhu cầu tiêu thụ và giá dầu tăng mạnh, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) nhất trí duy trì mức tăng sản lượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư