Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mỹ kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu mỏ
Lê Quân - 07/11/2021 07:35
 
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm đã kêu gọi các quốc gia sản xuất dầu mỏ lập tức tăng nguồn cung dầu thô để hạ nhiệt chi phí sinh hoạt đang tăng nóng như hiện nay.
Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần này, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) đã nhất trí tiếp tục thực hiện kế hoạch sản lượng như cũ, tức là vẫn áp dụng mức tăng sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày; đồng thời không nới lỏng nguồn cung ra thị trường, bất chấp áp lực và lời kêu gọi của Mỹ nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ.

Giá dầu thô thế giới gần đây đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 khi cán mốc 85 USD/thùng và các quốc gia nhập khẩu nhiều dầu thô đang "thắt ruột" vì giá dầu tăng cao.

Giá dầu thô tăng vọt đã kéo giá xăng tăng theo và làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu. Đáng nói là người tiêu dùng phải móc hầu bao nhiều hơn cho chi phí xăng dầu và các chi phí khác "ăn theo" giá xăng dầu, trong khi thu nhập và việc làm đều lao đao vì Covid-19 kéo dài gần hai năm nay.

Khi được hỏi về mối quan hệ của Mỹ với Ả Rập Xê-út (quốc gia đang dẫn dắt OPEC) ra sao sau khi khối này quyết định ghim sản lượng khai thác như cũ, Bộ trưởng Jennifer Granholm cho biết: "Chúng tôi có mối quan hệ bền chặt ở một số lĩnh vực, và ở một số lĩnh vực khác, chúng tôi mong muốn các đồng minh của mình sẽ hành động nhanh hơn nữa".

"Thông điệp là chúng ta cần phải tăng nguồn cung vào lúc này để mọi người không phải chịu khổ trong những tháng mùa đông năm nay", bà Jennifer Granholm nói với đài CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 đang diễn ra ở Glasgow, Scotland.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thắn chỉ trích rằng việc OPEC+ lừng khừng bơm thêm dầu ra thị trường đã khiến giá năng lượng tại Mỹ và trên thế giới tăng mạnh.

Vào ngày 4/11, OPEC+ ra quyết định vẫn áp dụng kế hoạch nhích dần sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày theo tháng như đã thống nhất hồi tháng 8. Lý giải cho quyết định này, các Bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ cho rằng họ đang duy trì cân bằng thị trường và vẫn thận trọng trước những thay đổi nhu cầu có thể diễn ra.

Một số Bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ biện luận rằng giá cả các mặt hàng năng lượng khác như khí đốt và than đá đã tăng vọt trong khi thị trường dầu mỏ đã may mắn vì có OPEC+ điều tiết nguồn cung.

Trong khi đó, sáng 5/11 giá dầu thô Brent nhích 27 cent so với ngày hôm trước, lên mức 80,80 USD/thùng vào lúc 7:30.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu trong nước của quốc gia này đã sụt giảm trong vài năm qua, thậm chí ngay trước đại dịch Covid-19, do thiếu các ưu đãi đầu tư. "Tôi không biết tại sao giá dầu ở mức 80 USD/thùng, những ưu đãi đó lại chưa xuất hiện", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ băn khoăn.

"Giữa Covid-19, giá dầu đã lao dốc do người dân không di chuyển và thay vào đó họ ở nhà, chúng tôi biết điều đó. Nhưng bây giờ tình hình đã ổn định trở lại, sản xuất dầu mỏ cần phải đáp ứng [nhu cầu] đó; đã có những giàn khoan được bổ sung nhưng vẫn chưa đủ", bà Jennifer Granholm nói thêm.

OPEC+ nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) vừa điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng đáng kể...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư