Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập
Kỳ Thành - 25/04/2019 09:16
 
Là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở lớn nhất khu vực, Việt Nam sẽ coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập để phát triển bền vững.
.
Việt Nam coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm của hội nhập quốc tế.

“Không chỉ những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp do hội nhập được dự báo từ trước như dệt may, giày dép, hàng thủy sản, mà không ít ngành công nghệ, dịch vụ tưởng rất “khó chơi” như viễn thông, tài chính, công nghệ thông tin nhờ có sức ép cạnh tranh từ mở cửa mà tiến bộ, phát triển không ngừng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói tại Hội nghị tổng kết 5 năm Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế diễn ra hôm qua (23/4).

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, tác động sâu rộng đến công tác hội nhập quốc tế của nước ta, tạo ra những thời cơ, thách thức đan xen. Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thủ tướng đánh giá, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Lớn nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn.

5 năm qua, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với các đối tác quan trọng.

Chúng ta đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 (tháng 2/2019)…

5 năm qua, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với các đối tác quan trọng, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tích cực, đến hết năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đàm phán, ký kết và thực thi các FTA đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục được thúc đẩy.

Về phương hướng công tác trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đánh giá năm 2019 là năm “nước rút”, Việt Nam thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là năm Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn mới phải hoàn tất các cam kết trong 12 FTA đã ký kết, trong đó có CPTPP.

Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các FTA mới có hiệu lực, thúc đẩy phê chuẩn và thực thi các FTA đã hoàn tất, tiếp tục coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm của hội nhập, thúc đẩy hợp tác, kết nối, tăng cường vị thế của Việt Nam tại các cơ chế khu vực, toàn cầu quan trọng.

Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư