Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 01 tháng 02 năm 2025,
Con đường duy nhất để vươn mình vĩ đại trong kỷ nguyên mới
Nguyễn Hồng - 01/02/2025 09:35
 
Bước vào kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam nên chọn con đường nào để thành công? Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025, GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) trao đổi cùng Báo Đầu tư về chủ đề mang tính thời đại này.
GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM).

Thưa Giáo sư, đâu là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong thông điệp “kỷ nguyên mới vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm?

Nếu được nói ngắn gọn, tôi xin chọn “vĩ đại” là sợi chỉ xuyên suốt trong thông điệp “kỷ nguyên mới vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đảng là người cầm lái “vĩ đại” với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị để tạo ra “những chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, không ngừng đổi mới, sáng tạo để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu “vĩ đại”, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm. 

Cách nào để trở thành vĩ đại, thưa Giáo sư?

Những thành tựu phi thường của nhân loại và dân tộc Việt Nam khiến tôi liên tưởng đến ẩn dụ về cách chọn con đường. Để có được thành quả phi thường, chỉ có cách duy nhất là chọn con đường khó nhất.

Một ví dụ điển hình trên thế giới, có lẽ là cách đây nửa thế kỷ, khi người Mỹ đưa phi thuyền lên cung trăng. Nhiều bình luận cho rằng, việc này chỉ thể hiện cuộc đua tốn kém ngông cuồng giữa các cường quốc. Nhưng tôi thích nhất cách mà các nhà lãnh đạo của họ truyền thông điệp, họ chọn cú bắn lên Mặt trăng “không phải vì chúng dễ, mà vì chúng khó”. Vì để làm được như thế, phải đầu tư rất công phu vào các đột phá công nghệ thời bấy giờ. Nền tảng được xây dựng cách đây nửa thế kỷ giúp Mỹ trở thành nước có năng suất lao động cao bậc nhất thế giới hiện nay, từ công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhưng trước cả khi người Mỹ đổ bộ lên Mặt trăng, Việt Nam thậm chí còn tạo cảm hứng phi thường cho thế giới bằng con đường mang tên Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta từng khai thông nhiều con đường mở mang bờ cõi, bảo vệ non sông. Có lẽ, con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh là con đường vĩ đại nhất, cả trong ý tưởng và thực tế. Nếu chọn con đường dễ hơn, như thỏa hiệp với các cường quốc, chắc chắn chúng ta không thể có được độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Khi thấy chiến tranh (không thể tránh khỏi) là cấp bách, ta đã làm mọi cách để chiến thắng. Nguồn lực, tiền bạc không là vấn đề, nếu vấn đề được xác định là khẩn cấp. Tại sao chúng ta đã làm ngay và làm liền bằng việc bơm hàng trăm ngàn tỷ đồng giải cứu một vài ngân hàng yếu kém, mà không lo ngại đến ổn định vĩ mô, lạm phát? Đó là vì nó đã được xác định là khẩn cấp, để tránh đổ vỡ.

Thế thì, tại sao không thể thực hiện các logic trên cho con đường mới trong kỷ nguyên vươn mình liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, điều mà các nhà kinh tế gọi là “bài toán đố về năng suất”. Nó là con đường tuy khó nhất, nhưng là duy nhất để Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới vĩ đại.

Theo Giáo sư, cần làm gì để giải bài toán năng suất lao động thấp?

Nhiều nước đã tuyên bố tình trạng “khẩn cấp kinh tế” khi năng suất lao động quá thấp, do chúng không có những đóng góp của yếu tố công nghệ mới, AI. Tôi chưa thấy nhà hoạch định chính sách nào ở nước ta tuyên bố năng suất lao động thấp hiện nay là tình trạng “khẩn cấp kinh tế” cả.  Suy nghĩ như thế, nên không có gì ngạc nhiên khi đầu tư ngân sách nhà nước cho R&D thấp đến mức phi lý, chỉ 11.000 tỷ đồng, bằng 2% số tiền giải cứu một ngân hàng yếu kém trong năm vừa qua. Thật khó để hiểu tại sao lại có logic này.

Chọn những công việc mới không phải bởi chúng dễ, mà vì chúng khó, điều đó có ý nghĩa gì với kỷ nguyên vươn mình?

Kỳ tích đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh chứng tỏ cho cả thế giới thấy, dân tộc ta có khả năng làm những điều vô cùng phi thường. Nhưng đổi lại, phải chấp nhận hy sinh cao nhất. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay cũng đòi hỏi những hy sinh. Nhưng không thể so sánh với những hy sinh bằng xương máu của thế hệ đi trước. Cái khó nhất, thì thế hệ đi trước đã làm, còn hiện tại, tại sao không thể?

Điều quan trọng là, khác với thời chiến, những thách thức trong bối cảnh của kỷ nguyên mới ngày nay được đặc trưng bởi những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, bất ổn toàn cầu và nhu cầu về các giải pháp bền vững. Nếu không xác định rõ điều này, chỉ chọn việc dễ thay vì việc khó để làm, thì sứ mệnh sẽ trở nên mơ hồ, chỉ trở thành các thách thức, chỉ có thể chiến thắng trong một vài trận đấu theo lối tư duy nhiệm kỳ, chứ không thể chiến thắng cả một cuộc chiến.

Việc phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số trong nhiều thập kỷ tới để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 là chính đáng. Nhưng chạy theo mục tiêu tăng trưởng đơn thuần khiến dễ có tâm lý thi đua đạt thành tích bằng cách chỉ chọn con đường dễ nhất để đạt mục tiêu. Cũng là tăng trưởng hai con số, nhưng chỉ làm gia công cho thế giới, bán tài nguyên, sức lao động, còn cái gọi là “đại bàng” quanh đi quẩn lại cũng chỉ làm bất động sản, tài chính, ngân hàng, thì chỉ có sớm nở tối tàn.

Theo Giáo sư, làm thế nào để đạt mục tiêu này?

Phải nghĩ về con đường mới trong kỷ nguyên vươn mình thành vĩ đại giống như cách nghĩ về con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh. Rất đơn giản, đó là ta có nó và để chiến thắng trong cuộc đua tụt hậu về năng suất lao động. Đó không chỉ là cuộc đua tăng tốc hai con số để bao nhiêu năm sánh bằng Singapore hay nước công nghiệp phát triển nào đó. Đó là tự thân sự tồn vong của dân tộc.

Nếu được nói ngắn gọn, tôi xin chọn “vĩ đại” là sợi chỉ xuyên suốt trong thông điệp “kỷ nguyên mới vươn mình” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ

Phải thực sự trả lời câu hỏi, liệu ta có thấy con đường tiến tới kỷ nguyên mới, trở thành quốc gia vĩ đại thật sự khẩn cấp như con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa?

Nếu thật sự khẩn cấp, thì những gì đang cản trở nó? Không xác định rõ vấn đề đang nằm ở đâu, không dám nhìn thẳng sự thật, thì không thể tìm ra giải pháp, hoặc nếu có, thì đó cũng chỉ là những mảnh ghép vá víu, có khi còn làm cho tình hình xấu thêm.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu không nằm ở một vài bộ ngành nào, mà nằm trực tiếp tại văn phòng chính phủ như Brazil, Anh, Israel, Mỹ… Đến mức như ông Donald Trump bổ nhiệm Elon Musk làm người đứng đầu Bộ Hiệu suất chính phủ, mà bộ này không nằm trong bất kỳ bộ luật nào của Mỹ. Nó chính là thể chế. Thể chế do con người tạo ra để ứng phó với tình huống cấp bách. Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định rất chính xác: thể chế chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng để tháo gỡ toàn bộ các điểm nghẽn để giải quyết tình trạng khẩn cấp kinh tế, như năng suất lao động quá thấp hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ là ở thượng tầng, còn ở từng phân khúc, từng bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương, chúng ta phải xác định chính xác vấn đề đang là gì. Chẳng hạn, đâu là vấn đề hạn chế Việt Nam tăng trưởng hai con số trong thập kỷ tới. AI, công nghệ mới sẽ là vấn đề. 

Vậy giải pháp là gì, thưa Giáo sư?

Đây là vấn đề rộng, phức tạp. Tôi chỉ xin chọn tập trung vào khía cạnh chính yếu nhất. Như đã đề cập, phải xác định vấn đề nào đang cản trở sự phát triển của AI, của công nghệ mới trong động lực tăng trưởng mới. Vấn đề đang nằm ở đâu? Theo tôi, vấn đề nằm ở những thách thức hiện nay về sự hiểu biết vai trò mới của Chính phủ đối với quá trình đổi mới sáng tạo. Phải làm rõ vấn đề này để tạo ra quyết tâm chính trị cao nhất.

Giáo sư có thể giải thích rõ thêm về vấn đề “vai trò mới của Chính phủ”?

Theo tôi, Chính phủ không chỉ tài trợ cho các nghiên cứu rủi ro, mạo hiểm, dù là ứng dụng hay cơ bản, mà nên là nguồn gốc của các loại đổi mới mang tính đột phá và cấp tiến nhất. Ở mức độ này, Chính phủ cần chủ động tạo ra thị trường, chứ không chỉ có chỉnh sửa các thất bại của thị trường.

Ngay cả quốc gia cổ súy cho nền kinh tế thị trường như Mỹ, mà Chính phủ còn chủ động tạo lập thị trường đổi mới sáng tạo bằng cách cung cấp khoản vay khởi nghiệp 465 triệu USD cho Tesla cách đây 2 thập kỷ, để rồi có một Tesla vĩ đại hôm nay. Mới đây nhất, Quốc hội Mỹ đã thông qua 75 tỷ USD khoản vay chính phủ và chương trình trợ cấp 39 tỷ USD cho sản xuất chip bán dẫn, với kỳ vọng phần vốn bắc cầu này sẽ làm mở rộng thêm 300 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân. Nghe cứ tưởng đâu họ là quốc gia xã hội chủ nghĩa vậy.

Đừng nghe những gì người Mỹ rao giảng về kinh tế thị trường với bàn tay vô hình của chính phủ. Hãy nhìn các đặc tính năng động nhất trong những gì họ làm. Có thể thấy, điều này đang được sao chép cách này, cách khác ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Liên minh châu Âu (EU) để thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với Mỹ.

Đó là thực tế, nhưng thưa Giáo sư, có nguyên lý nào được lấy làm nền tảng chung cho nhận thức về vai trò mới của Chính phủ không?

Có những nền tảng cơ bản giải thích tại sao Chính phủ lại đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động tạo ra thị trường liên quan đến đổi mới công nghệ, kỷ nguyên của AI. Thực tế là, có sự khác nhau đáng kể giữa rủi ro (khi xác suất của các kết quả có thể xảy ra là biết trước) và sự không chắc chắn, khi những xác suất này không và không thể biết được. Khi hành động hoặc tình huống "ở mức độ cao không thể tính được xác suất", những người ra quyết định phải đối mặt với “sự bất định”, thay vì rủi ro. Đó là sự khác biệt giữa đầu tư vào đổi mới, AI và đặt cược với rủi ro. Nguồn vốn tư nhân có xu hướng không muốn đưa ra cam kết khi không thể đánh giá được tỷ lệ thành công, mở ra một khoảng trống mà chỉ có Chính phủ mới có thể lấp đầy.

Nhận thức rõ điều này đã khó, nhưng ngay cả khi có sự đồng thuận trong nhận thức, cũng không dễ để Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong tài trợ, đầu tư cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Nó đòi hỏi một bộ máy đủ năng lực, minh bạch và linh hoạt để dẫn dắt sự đổi mới trong kỷ nguyên của AI. Theo tôi, đây chính là thách thức lớn nhất để dân tộc bước vào kỷ nguyên mới vươn mình vĩ đại.

Thông điệp "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" tạo ra sự hứng khởi chưa từng có
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, thông điệp về "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" của Tổng Bí thư Tô Lâm rất truyền cảm hứng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư