Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công an vào cuộc nghi án làm giả giấy tờ ở Cục Trồng trọt
Sơn Bách - Thanh Tâm - 31/07/2014 09:01
 
 Những dấu hiệu của một đường dây làm giả mạo công văn giấy tờ đang dần hé lộ khi có nhiều công văn trùng số do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phát hành.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chứng khoán Đại Việt miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT vừa bị bắt giam
Bắt Giám đốc giả mạo Viettel Telecom lừa hơn 240 tỷ đồng
Chuyện cậu trò giỏi và ngã rẽ tù tội
“Hóa phép” ô tô biển số nước ngoài thành xe nội
LienVietPostBank lên tiếng về vụ cán bộ bị bắt giam
5 độc chiêu cướp sim điện thoại

Liên quan đến những bất thường ở Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bên cạnh việc kỷ luật cán bộ thiếu công bằng, minh bạch gây bức xúc cho người lao động, mới đây, phóng viên phát hiện một loạt văn bản trùng số đóng dấu của đơn vị này.

  Công an vào cuộc nghi án làm giả giấy tờ ở Cục Trồng trọt  
  Hai trong số nhiều công văn trùng số (Ảnh: PV/Vietnam+)  

Những công văn "song sinh"

Việc xuất hiện các công văn trùng số đã được các cán bộ của Cục trồng trọt phát hiện ra vào khoảng cuối năm 2011. 

Cụ thể, vào thời điểm ngày 30/11/2011, Công văn số 2096/TT-ĐPB đã được Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc ký ban hành, với nội dung đồng ý cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Xanh Prathista Trâm (số 2695/14/3/6 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) được nhập khẩu 35.000 lít phân bón lá về làm khảo nghiệm diện rộng. Thời gian nhập khẩu đến 31/3/2014. 

Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 8/12, một công văn khác cũng mang số 2096/TT-ĐPB lại xuất hiện nhằm hướng dẫn cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thanh Khải (số 27G Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) về việc đăng ký vào Danh mục cho loại phân NPK và phân trung vi lượng.

Tiếp đó, đến ngày 12/1/2012, Công văn số 67/TT-ĐPB ra đời với con dấu Cục Trồng trọt và chữ ký của Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc. Công văn này đồng ý cho phép Công ty Xanh Prathista nhập khẩu 7 loại phân bón để khảo nghiệm. Thời gian nhập khẩu đến tận cuối năm 2014 qua cửa khẩu thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ 1 ngày sau, tức là ngày 13/1, một công văn số 67 nữa lại bất ngờ hiện diện, hướng dẫn các thủ tục đăng ký vào Danh mục cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa chất Ý Mỹ.

Điều đáng nói hơn, khi so sánh 2 công văn số 2096/TT-ĐPB và 67/TT-ĐPB cùng cấp cho công ty Prathista Trâm, những cán bộ tại Cục trồng trọt tiếp tục phát hiện ra những dấu hiệu bất bình thường.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ công tác lâu năm tại Cục cho hay: Công văn số 2096 đã cho phép Xanh Prathista Trâm được nhập khẩu 35.000 lít phân bón lá.

“Tuy nhiên, vào thời điểm được cho phép nhập khẩu (từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 - PV), toàn bộ phân bón lá của Công ty này đều không có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam,” cán bộ này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lượng nhập khẩu phân bón lên tới 35.000 lít cũng là quá lớn. 

“Thông thường, đối với phân bón lá, lượng nhập khẩu cho khảo nghiệm chỉ là 50 lít/loại, nghĩa là khoảng 350 lít cho cả 7 sản phẩm. Vì vậy, số lượng 35.000 lít đã vượt ngưỡng cho phép tới xấp xỉ 100 lần.”

Đáng chú ý, mặc dù danh sách 7 loại phân bón được cấp phép nhập khẩu của 2 văn bản trên đều giống nhau, nhưng từ văn bản 2096 tới 67, thành phần mỗi loại đã được “biến hóa” khác đi hoàn toàn.

Điển hình, với phân bón lá Aishwarya, tại văn bản 2096 có ghi rõ thành phần đăng ký là Proteins: 19,N:8, Carbohydrates: 9 thì sang tới văn bản số 67 đã “lột xác” thành: OC:12,N:1, Proteins: 4. Hay như phân bón lá Megacal; thành phần lần lượt tại 2 công văn là: Ca: 6, Mg: 5 và OC:7, Ca: 1,5, Mg: 15…

Nhìn nhận một cách khách quan về các công văn “bất thường” này, ông Cao Việt Hưng, Phòng sử dụng đất và phân bón thẳng thắn chỉ ra những “lỗi” chứng minh 2 văn bản trên có dấu hiệu bị làm giả.

Cụ thể, theo ông Hưng, mẫu công văn cấp cho Prathista Trâm không đúng quy định khi ghép nội dung công văn nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm với giấy chứng nhận khảo nghiệm. Điều đáng chú ý hơn, số công văn và ngày công văn đều không đúng với quy định, khi các số này đều là tự đánh máy và in, trong khi, các số công văn gốc của Cục Trồng trọt đều được lăn số.

Tuy nhiên, việc để xuất hiện 4 công văn “song sinh,” tạo kẽ hở cho một doanh nghiệp có điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam hàng nghìn lít phân bón ngoài danh mục cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý hệ thống văn bản hành chính cũng như việc rà soát các thủ tục cấp phép phân bón tại Cục trồng trọt.

Cơ quan công an vào cuộc điều tra

Sự lỏng lẻo trong quản lý hệ thống văn bản đã ban hành cũng như rà soát thực tế của Cục Trồng trọt cũng là nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm phân bón ngoài danh mục bỗng chốc được doanh nghiệp phù phép để đưa vào thị trường.

Mới đây nhất, ngày 30/6/2014, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Tiền Giang đã có văn bản số 671/PC46 gửi Phòng Sử dụng đất và Phân bón đề nghị đơn vị này xác minh độ tin cậy của một văn bản có đóng dấu Cục Trồng trọt.

Cụ thể, theo PC46 Công an Tiền Giang, đơn vị này đang tiến hành xác minh, thu thập tài liệu làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm đối tuợng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng, mặt hàng là thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Mặc dù doanh nghiệp này đã đưa ra các văn bản số 781/TT-ĐPB ngày 9/4/2013 về việc đăng ký vào danh mục phân bón có dấu và chữ ký của lãnh đạo Cục Trồng trọt, tuy nhiên, Công an Tiền Giang đã đặt ra nghi vấn về tính xác thực của công văn này. Do đó, PC46 đề nghị phòng nghiệp vụ của Cục trồng trọt xác minh lại độ tin cậy cũng như tính chính xác của văn bản nêu trên.
 

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ (xin giấu tên) khẳng định: Qua rà soát, phòng chức năng đã xác nhận: Văn bản của công ty trên đã được làm giả lại. Trên thực tế, tồn tại một công văn khác mang số 781/TT-ĐPB cũng về việc đăng ký vào danh mục phân bón của chính doanh nghiệp này.


“Doanh nghiệp đã sao chép số văn bản, tự ý sửa tên loại phân bón trong giấy tờ gốc, cắt xén nội dung và làm giả con dấu và chữ ký lãnh đạo Cục để trục lợi,” cán bộ này cho hay.

Phòng Sử dụng đất và Phân bón cũng đã có hồi đáp công an tỉnh Tiền Giang với nội dung nên trên.

Như vậy, có thể thấy, việc làm giả các công văn, giấy tờ của Cục Trồng trọt nhằm hợp thức hóa một số lượng rất lớn các sản phẩm phân bón ngoài danh mục đã tồn tại từ nhiều năm qua và cũng đã được nhiều người biết đến. Người nông dân, ở không ít vùng, đang phải cắn răng gánh hậu quả từ những sản phẩm “ngoài luồng” do chính những lỗ hổng trong việc rà soát và quản lý của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư