Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Công bố 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài
Khánh An - 07/04/2021 09:06
 
Lần đầu tiên, danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài chính thức được công bố.
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài vừa được ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ

25 ngành nghề chưa được tiếp cận, 59 nhóm ngành tiếp cận có điều kiện

Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; các dịch vụ hành chính tư pháp; kinh doanh tạm nhập tái xuất; kinh doanh dịch vụ lữ hành (trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) là một số trong danh sách 25 ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư.

Đây là một phần trong Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ.

Phần ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm 59 đầu mục. Trong số này, nhóm ngành thứ 59 là ngành, nghề đầu tư theo cơ chế thí điểm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thị Thanh Huyền (Công ty Luật NHQuang và Cộng sự) cho biết, việc công bố danh mục này thực sự là một nỗ lực, vì lâu nay, việc xác định ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên khá phức tạp, mất rất nhiều thời gian. “Nhà đầu tư sẽ chỉ quyết định khi biết rõ được làm gì, điều kiện ra sao”, bà Huyền nói.

Cùng với danh mục trên, nội dung quan trọng với nhà đầu tư là điều kiện tiếp cận thị trường được làm rõ ngay tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Đó là tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện đầu tư và điều kiện khác theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, theo nguyên tắc chọn - bỏ của Luật Đầu tư, nếu chọn đầu tư vào các ngành, nghề ngoài 84 ngành nghề này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Nghị định số 31/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ, ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề trên, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng thêm một số điều kiện, tùy theo từng dự án. Đó là các điều kiện liên quan đến sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước; sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản

Phải nói rõ, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề trên đã được quy định tại các văn bản pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế về đầu tư. Đây là lần đầu tiên, danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố trong một danh mục.

Điều kiện với các ngành nghề chưa cam kết

Nghị định 31/2021/NQ-CP cũng lần đầu quy định rõ điều kiện tiếp cận đối với các ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó, thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó, thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, với nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường trước ngày 26/3/2021, thời điểm hiệu lực của Nghị định 31/2021/NQ-CP, thì việc thực hiện hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục theo các điều kiện đã được áp dụng.

Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế mới, thực hiện dự án đầu tư mới, nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề mà theo quy định của văn bản mới ban hành phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì phải đáp ứng điều kiện đó. Trong trường hợp này, Nghị định 31/2021/NQ-CP quy định rõ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư đã được chấp thuận trước đó.

Theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP, việc xây dựng, đăng tải, cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tương tự như quy định áp dụng với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Nghĩa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tập hợp điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.

Chọn gì, bỏ gì với nhà đầu tư nước ngoài
Các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã được hoàn tất, trình Chính phủ để sớm ban hành. Những quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư