Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Công nghệ BIGV vừa bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua vào 1,74 triệu cổ phiếu VNZ
Duy Bắc - 04/08/2023 08:04
 
Sau khi không mua được cổ phiếu quỹ của CTCP VNG (mã VNZ - UPCoM), CTCP công nghệ BIGV đã mua trực tiếp trên sàn thông qua giao dịch thỏa thuận để nâng sở hữu lên 11,78% vốn điều lệ.

Cụ thể, ngày 28/7, Công ty cổ phần công nghệ BIGV đã mua thêm 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 5,72% lên 11,78% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, từ ngày 25/7 đến ngày 15/8, VNG Limited đăng ký bán 3.483.048 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 61,12% về còn gần 49% vốn điều lệ.

Như vậy, trên lý thuyết, việc giảm sở hữu của VNG Limited tại VNG xuống dưới 51%, điều này có thể thay đổi cách hạch toán từ công ty con sang công ty liên kết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, nếu VNG Limited chứng minh được vẫn là bên quyết định, chi phối tại VNG thì vẫn sẽ hạch toán công ty con mặc dù sở hữu dưới 51%.

VNG xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận khi VNG Limited đăng ký bán (Nguồn: SSI iBoard
VNG xuất hiện nhiều giao dịch thỏa thuận khi VNG Limited đăng ký bán (Nguồn: SSI iBoard)

Quay trở lại các giao dịch thỏa thuận gần đây, quan sát giao dịch thỏa thuận trên sàn, ngày 26/7 xuất hiện giao dịch thỏa thuận 1.741.524 cổ phiếu VNZ với giá trị 1.091,6 tỷ đồng (bằng khối lượng mà Công ty cổ phần công nghệ BIGV vừa thông báo mua vào cổ phiếu VNZ trong phiên ngày 28/7); ngày 1/8, tiếp tục có thêm một giao dịch thỏa thuận 1.732.343 cổ phiếu VNZ, giá trị giao dịch là 1.105,75 tỷ đồng; và ngày 2/8 có thêm 1 giao dịch thỏa thuận 19.181 cổ phiếu VNZ, giá trị giao dịch là 12,23 tỷ đồng.

Như vậy, cộng 3 giao dịch thỏa thuận phiên 26/7, 1/8 và 2/8, khối lượng thỏa thuận tương đương với khối lượng mà VNG Limited đăng ký bán. Như vậy, nhiều khả năng, VNG Limited đã thoái ra toàn bộ hơn 3,48 triệu cổ phiếu đã đăng ký và Công ty cổ phần công nghệ BIGV là một trong số những đơn vị đã mua vào lượng cổ phiếu mà VNG Limited thoái.

Công nghệ BIGV không thể mua được hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ của VNG

Trước đó, năm 2022, VNG đã xin ý kiến cổ đông bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ với giá 177.881 đồng/cổ phiếu để thu về 1.264 tỷ đồng. Trong đó, bên mua dự kiến là CTCP Công nghệ BigV. Nếu giao dịch thành công, CTCP Công nghệ BigV sẽ nâng sở hữu từ 5,7% lên 30,5% vốn điều lệ tại VNG.

Tuy nhiên, trong năm 2023, VNG vừa thông qua việc dừng chào bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022 và đồng thời thực hiện giảm vốn điều lệ từ 358,44 tỷ đồng về 287,36 tỷ đồng (tương ứng hủy 7.108.262 cổ phiếu quỹ).

VNG đã lý giải việc không chào bán cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV do một số lý do khách quan, kế hoạch năm ngoái dù đã được thông qua nhưng chưa thực hiện, Công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra phương án mới chủ động trong năm 2023.

Sau 6 quý lỗ liên tiếp, VNG đã có lãi trở lại trong quý II/2023

Về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.245,9 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 100,29 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 265,48 tỷ đồng, tức tăng thêm 365,77 tỷ đồng.

Được biết, trước đó, từ quý IV/2021 đến quý I/2023, VNG liên tục ghi nhận lỗ. Như vậy, sau 6 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Công ty đã có lãi trở lại.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 25,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 223,9 tỷ đồng, lên 1.099,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 44,9%, tương ứng giảm 19,91 tỷ đồng, xuống 24,4 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 10,2 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 76,2 tỷ đồng, lên 83,67 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tiếp tục ghi nhận lỗ 22,14 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 47,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 17,8%, tương ứng giảm 195,15 tỷ đồng, xuống 898,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong quý II, Công ty có lãi trở lại chủ yếu do lợi nhuận gộp tăng, đồng thời tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 4.098,4 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lãi 59,79 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 281,41 tỷ đồng, tức tăng thêm 341,2 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023 với việc ghi nhận lãi 59,79 tỷ đồng, VNG đã vượt kế hoạch lỗ.

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của VNG tăng 7,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 669,7 tỷ đồng, lên 9.569,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.558,5 tỷ đồng, chiếm 37,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.271,8 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản; tài sản đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.458,2 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.129,4 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng tài sản.

Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu tài sản cố định tăng 89,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.073,9 tỷ đồng, lên 2.271,8 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn giảm 67,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 704,1 tỷ đồng, xuống 334,6 tỷ đồng …

Công ty cho biết tài sản dở dang dài hạn giảm chủ yếu do dự án VNG Data Center giảm từ 991,7 tỷ đồng xuống 0 tỷ đồng.

Đối với danh sách công ty liên kết, tính tới 30/6/2023, Công ty đang ghi nhận lỗ lũy kế 751,3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu lỗ 510,1 tỷ đồng khi đầu tư vào Tiki Global.

Ngoài ra, về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 168,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 749,5 tỷ đồng và chiếm 12,5% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 5% tổng nguồn vốn).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu VNZ tăng 9.500 đồng lên 731.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch từ ngày 25/5
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội Quyết định đưa cổ phiếu CTCP VNG (mã VNZ - sàn UPCoM) vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp Báo cáo tài chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư