Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Công nghệ sức khỏe là “ngôi sao đang lên” trong mảng gọi vốn
Nhung Bùi - 09/05/2024 17:30
 
Startup công nghệ sức khỏe dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trong năm 2023, vượt qua các ngành như tài chính, bán lẻ hay giáo dục.

Thông tin được công bố tại “Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2024”, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures phát hành.

Theo báo cáo này, trong năm 2023, các startup công nghệ sức khỏe Việt Nam (healthtech) đã gọi tới 184 triệu USD, tăng 391% so với năm trước đó. Đây cũng là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư mạnh nhất, vượt hẳn “quán quân” của năm 2022 là công nghệ tài chính (fintech).

Vốn rót vào các startup trong mảng y tế là nguồn vốn nhiều nhất năm 2023.

Nhiều startup công nghệ y tế đã huy động thành công hàng chục triệu USD trong năm 2023, giữa lúc thị trường gọi vốn toàn cầu và khu vực đối diện với tình trạng ảm đạm.

Tiêu biểu nhất là thương vụ huy động hơn 51 triệu USD trong vòng series B của startup bán thuốc sỉ Buymed. Thông qua cổng điện tử thuocsi.vn, các công ty sản xuất, phân phối dược phẩm sẽ được kết nối với khoảng 35.000 nhà thuốc, phòng khám trên 63 tỉnh, thành toàn quốc. Nhờ việc ứng dụng công nghệ, Buymed góp phần giúp giải quyết vấn đề phân mảnh của thị trường phân phối dược phẩm.

Một startup công nghệ y tế khác cũng gọi vốn thành công trong năm 2023 là Gene Solutions. Được thành lập vào năm 2017 bởi các nhà khoa học Việt Nam có nền tảng giáo dục tại Mỹ, Gene Solutions mong muốn đem đến các dịch vụ xét nghiệm di truyền có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, đặc biệt là tới người dân ở các nước đang phát triển. Việc phát triển các công nghệ xét nghiệm giúp giảm bớt chi phí và thời gian chờ đợi cho bệnh nhân đã khiến Gene Solutions trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Vì vậy, vào năm 2023, startup đã gọi thành công khoản vốn 21 triệu USD từ quỹ Mekong Capital.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Do Ventures, nhận định: “Việt Nam có nhiều công ty khởi nghiệp đầy triển vọng trong lĩnh vực công nghệ y tế, thị trường vẫn còn ở giai đoạn đầu”.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh “mùa đông” gọi vốn vẫn chưa qua, y tế, giáo dục có thể tiếp tục là thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư. Đây là các ngành thiết yếu trong cuộc sống, nên cơ hội sẽ vẫn đến với các startup có sản phẩm tốt, có dòng tiền “khỏe mạnh”. Ngược lại, các ngành không thiết yếu như du lịch, giải trí, thời trang, thanh toán, tài chính... hoặc các ngành cần vốn rất nhiều ở thời điểm đầu để đầu tư cơ sở vật chất, thu hút người sử dụng... sẽ khó khăn hơn.

Riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, nhận thức về sức khỏe của người dân được nâng cao hơn sau đại dịch cùng với tình trạng quá tải tại các bệnh viện công vẫn chưa được khắc phục, đã tạo ra nhu cầu cao về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân.

Trong báo cáo triển vọng về ngành chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam do Kirin Capital công bố, đơn vị phân tích cho biết quy mô thị trường của ngành đang gia tăng nhanh chóng.

Điều này thể hiện ở tổng chi tiêu cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ 16,1 tỷ USD lên đến 22 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2022. Ngoài ra, chi tiêu cho y tế/GDP của Việt Nam cũng tăng từ 4,52% hồi năm 2016 lên khoảng 6,5% năm 2022.

Kirin Capital dự báo ngành chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong những năm tới với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2023-2025 là 15%/năm.

Còn Công ty kiểm toán PwC dự báo ngành y tế sẽ là một trong số ít lĩnh vực hàng đầu thu hút vốn FDI vào Việt Nam, trong bối cảnh chung các doanh nghiệp rơi vào "mùa đông" gọi vốn. Quy mô thị trường chăm sóc sức khỏe trong nước sẽ tăng dần qua từng năm, và ước đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025.

"Mùa đông gọi vốn” ở Đông Nam Á vẫn chưa qua
Nguồn vốn đầu tư đổ vào Đông Nam Á trong quý I/2024 vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư