Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Công nghiệp ICT bứt phá, Bưu chính - Viễn thông tăng nhẹ
Hữu Tuấn - 16/11/2021 15:42
 
Ngành công nghiệp ICT có sự tăng trưởng mạnh, trong khi lĩnh vực bưu chính và viễn thông chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo số liệu tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước tháng 10/2021 cho thấy, ngành công nghiệp ICT tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng khá tốt.  Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 2,562 triệu tỷ đồng (tương đương 110,7 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó doanh thu từ các doanh nghiệp Việt Nam là 292.000 tỷ đồng chiếm 11%. Doanh thu Quý III/2021 đã tăng trưởng 26,8% so với Quý II/2021. Trước đó, doanh thi Quý II/2021 sụt giảm 14% so với Quý I/2021. Trong tổng doanh thu công nghiệp ICT, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử chiếm phần lớn, đạt khoảng 2,270 triệu tỷ đồng (tương đương 98,1 tỷ USD) bằng gần 90%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 88,3 tỷ USD chiếm khoảng 32,5% giá trị xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất siêu ước đạt gần 10,5 tỷ USD trong khi cả nước đang nhập siêu.

 Trong lĩnh vực Bưu chính, do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 nên doanh số của các doanh nghiệp bưu chính cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên đến tháng 10/2021, các doanh nghiệp bưu chính từng bước khôi phục sản xuất khi các địa phương dần trở về trạng thái bình thường mới và tạo tiền đề cho tăng trưởng trong Quý IV/2021, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cả năm 2021.

Tính đến tháng 10/2021, số doanh nghiệp bưu chính tăng  thêm 70 doanh nghiệp, doanh thu bưu chính ước hết Quý III/2021 đạt 7.500 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng ước 29.500 tỷ,tăng 2 % so với cùng kỳ.

Phấn đấu đến hết năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành bưu chính sẽ đạt mục tiêu 38.000 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực viễn thông, đến tháng 10/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 107.490  tỷ tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước (107.400  tỷ vào năm 2020). Số thuê bao điện thoại smartphone đạt 91,71 triệu (chiếm 74,1% số thuê bao điện thoại di động), tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến tổng doanh thu Viễn thông năm 2021 ước đạt khoảng 135.501 tỷ đồng. Năm 2020, tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Nếu để tồn tại SIM rác, sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu phủ sóng toàn quốc 5G vào năm 2022

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã báo cáo Bộ Chính trị về Đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2; Xây dựng phương án đấu giá các băng tần để triển khai dịch vụ di động 4G/5G. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” và triển khai phủ sóng các điểm lõm sóng còn tồn tại trên cả nước (khoảng 2000 điểm).

Để tiến tới mục tiêu xử lý triệt để sim rác vào cuối năm 2021, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quyền lợi của người dân đồng thời tạo nền tảng để chính doanh nghiệp viễn thông triển khai các dịch vụ mới như định danh số, Mobile Money... Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp đồng bộ: Tiến hành kiểm tra thông tin thuê bao, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động mua bán, đăng ký, quản lý thông tin thuê bao tại các điểm bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý theo quy định; Chỉ đạo hoàn thiện biện pháp cơ chế chặn tự động trên hệ thống của doanh nghiệp để đảm bảo từ ngày 01/8/2021, tất cả thuê bao phát triển mới không vi phạm các tiêu chí trong thỏa thuận ngăn chặn, xử lý SIM rác.

Đến tháng 10/2021 đã có hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã  đáp ứng các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT và thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. 

Để thúc đẩy kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc tăng dụng lượng, tốc độ 4G và xem xét, đặt mục tiêu người dùng di động sử dụng Mobile Money lên 80% là việc làm cần thiết; Song song với đó là phủ sóng toàn quốc 5G vào năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, cần xây dựng kế hoạch ngay trong tháng 11/2021 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thực hiện kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, để làm nền tảng cho phát triển kinh tế số thì việc đầu tiên là mỗi người có một smartphone.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Thứ trưởng Phạm Đức Long tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông bàn việc thực hiện mục tiêu đến tháng 6/2022 chỉ còn 5% dân số sử dụng mạng 2G. Còn đối với cáp quang thì hết năm 2022 phải phủ tới 85% hộ gia đình, tức là phải thêm 5 triệu thuê bao cáp quang nữa để đạt tổng cộng 24 triệu hộ gia đình được phủ cáp quang.

“Muốn mục tiêu kinh tế số thành công thì các doanh nghiệp phải cùng nhau thực hiện được được hai việc: Mỗi người có một smartphone và mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Doanh thu truyền thống giảm, các nhà mạng viễn thông “bẻ lái”
Để bù cho đà suy giảm của dịch vụ truyền thống, các nhà mạng đang đổi hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư