Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công nghiệp phụ trợ mãi vẫn chưa lớn
Thanh Vũ - 26/05/2013 09:57
 
Các nước tham gia Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đòi hỏi tỷ lệ nguyên phụ liệu tại Việt Nam phải đạt một tỷ lệ phần trăm nào đó khi sản phẩm Việt Nam thâm nhập vào thị trường của họ. Điều này đang đặt ra yêu cầu bức thiết về phải tăng tốc phát triển công nghiệp hỗ trợ. 
TIN LIÊN QUAN

Công nghiệp phụ trợ phải khẳng định được vai trò cao hơn

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Giày Liên Phát (Bình Dương) cho biết, khi Việt Nam đàm phán TPP thành công, doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc nguyên phụ liệu nội địa đạt bao nhiêu phần trăm, thì mới được hưởng mức thuế ưu đãi tương ứng từ thị trường xuất khẩu.

Chẳng hạn, Canada đặt ra yêu cầu sản phẩm giày dép nhập khẩu từ Việt Nam phải đạt 40% nguyên phụ liệu trong nước.

Để đáp ứng được yêu cầu này, doanh nghiệp Việt Nam đã phải cố gắng chứng minh được tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước đạt 40%. Mặt khác, do sản lượng giày dép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Canada còn ít, nên nước này chưa kiểm tra nghiêm ngặt, doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, giả sử khi Việt Nam đàm phán TPP thành công, thuế nhập khẩu tại Canada giảm xuống và lượng giày dép xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada tăng đột biến, thì Canada sẽ kiểm tra nghiêm ngặt hơn về tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu giày dép.

Cũng theo bà Liên, hiện tại, nguyên phụ liệu trong nước đối với ngành da giày vẫn còn nghèo nàn, chủ yếu là nguyên phụ liệu phụ (chỉ, lớp lót nằm bên trong chiếc giày, vải lót, giấy độn giày, thùng carton), trong khi nguyên phụ liệu chính (đế, gót giày, keo, bề mặt chiếc giày) vẫn hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài.

“Nếu xác định những ngành như da giày, dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn, thì cần phải cấp tốc đầu tư công nghiệp hỗ trợ”, bà Liên nói và cho biết, Trung tâm Nguyên phụ liệu của Công ty Liên Phát tại Bình Dương vẫn hoạt động cầm chừng, nhưng khi TPP có hiệu lực, doanh nghiệp sản xuất sẽ tập trung tìm nguyên phụ liệu trong nước, khi đó, chắc chắn, Trung tâm của Công ty sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

Ở một góc độ khác, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, tỷ trọng xuất khẩu da giày của doanh nghiệp trong nước hiện chỉ khoảng 30%, còn lại 70% thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguyên nhân chủ yếu là do ngành da giày trong nước thiếu trầm trọng công nghiệp phụ trợ.

“Do nguyên phụ liệu kém, nên giày xuất khẩu của Việt Nam chỉ có giá 8 - 15 USD, trong khi giá giày xuất khẩu của Brazil là 60 - 70 USD/đôi”, ông Diệp Thành Kiệt dẫn chứng và cho biết, tình trạng thiếu hụt nguyên phụ liệu của ngành da giày cũng xảy ra tương tự ngành dệt may; do đó, điều cần nhất hiện nay của hai ngành này là đầu tư vào chiều sâu, mà muốn vậy phải phát triển được công nghiệp hỗ trợ.

Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) cho biết, Quy hoạch Phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được thông qua. Theo đó, các ngành công nghiệp cần các sản phẩm hỗ trợ để phục vụ sản xuất của ngành, như ngành dệt may, da giày cần phát triển nhanh các sản phẩm hỗ trợ để sản xuất hàng xuất khẩu. Muốn vậy, cần tập trung khai thác mọi nguồn lực và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, nhằm nâng cao tính chủ động trong sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư