Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Công nhân mong sớm được hỗ trợ tiền thuê trọ
Trọng Tín - 21/02/2022 16:01
 
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là chính sách nhân văn, cần nhanh chóng triển khai để công nhân sớm ổn định công việc và cuộc sống.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm trăm ngàn đồng cũng đáng quý

Tan ca, chị Nguyễn Thị Lành (quê ở Thừa Thiên - Huế), công nhân Nhà máy Sản xuất giấy và nhựa Tenpack ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) vội vã đến nhà trẻ đón con, rồi quay lại “chợ cóc” để mua thức ăn. Trả giá từng đồng cho vài con cá nục và bó rau, chị Lành bảo: “Phải tằn tiện, vì nửa tháng nữa vợ chồng tôi mới có lương”.

Khu nhà trọ của gia đình chị Lành nằm cách nơi làm việc khoảng 15 phút đi xe máy. Căn phòng tuềnh toàng, chưa đến 10 m2, giá 1,4 triệu đồng/tháng. Ở xóm trọ công nhân này, những gia đình phải chạy ăn từng bữa như gia đình chị Lành nhiều vô kể. Thường xuyên phải đối diện với muôn vàn nỗi lo, nhưng họ sợ nhất là đổ bệnh. Chị Lê Thị Hương, công nhân làm việc tại một công ty vật tư điện ở quận 12 cũng vừa phải xin nghỉ việc một tuần để chăm con ốm. Tháng này, chị lại phải bớt chi tiêu để có tiền khám bệnh, mua thuốc cho con.

Khi được hỏi về khoản hỗ trợ tiền thuê nhà đối với công nhân khu công nghiệp, chị Hương ngạc nhiên. “Tôi chưa biết thông tin gì về việc này. Nếu được hỗ trợ tiền thuê trọ thì tốt quá! Năm trăm ngàn đồng với chúng tôi cũng đáng quý”, chị Hương nói.

Cần triển khai nhanh và đúng đối tượng

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, trên cơ sở Nghị quyết về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, với người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, mức hỗ trợ được đề xuất là 500.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện là người làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; đang thuê trọ từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động ký trước ngày 1/1/2022, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước lúc doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người, tối đa 3 tháng được áp dụng cho người đi làm trở lại. Những người này phải làm trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm; đang thuê trọ từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, thời điểm ký từ 1/1/2022 đến 30/6/2022, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ.

Trường hợp lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Gói hỗ trợ này được đánh giá là chính sách nhân văn, tạo điều kiện giúp người lao động quay trở lại với công việc sau thời gian dài chống dịch, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo đại diện Công ty TNHH Sambu Vina Sports (Hóc Môn, TP.HCM), cần làm rõ hơn đối tượng được hỗ trợ, bởi công nhân ở trọ làm việc trong hay ngoài khu công nghiệp đều khó khăn như nhau, xứng đáng được hưởng chính sách hỗ trợ như nhau.

Về thủ tục, chủ tịch công đoàn của một doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM) cho rằng, nên bỏ quy định công nhân phải làm đơn xin hỗ trợ, vì khâu này không cần thiết, mất thời gian và Công đoàn của các doanh nghiệp có đủ dữ liệu về hoàn cảnh của từng công nhân.

Bên cạnh đó, vị này cho rằng, mức hỗ trợ nên nên xét theo vùng lương tối thiểu, bởi những địa bàn thuộc vùng I có mức phí sinh hoạt, thuê trọ cao hơn so với các vùng khác.

Với nhóm công nhân vừa quay lại thị trường, cần có những quy định cụ thể. Thời điểm quý III/2021, khi Covid-19 diễn biến căng thẳng tại phía Nam, nhiều lao động đã quyết định rời thành phố về quê và sau Tết bắt đầu trở lại làm việc. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng hỗ trợ là có hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội. Đây sẽ là rào cản để nhóm này tiếp cận chính sách hỗ trợ.

“Điều quan trọng hơn là, gói hỗ trợ cần được triển khai nhanh chóng, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lao động năm 2021, vì đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn ngóng gói hỗ trợ này, công nhân quá sốt ruột đã nghỉ việc, ảnh hưởng đến quan hệ lao động và tình hình sản xuất của nhà máy”, vị này nói.

Công nhân tấp nập trở lại làm việc, doanh nghiệp thở phào
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phấn khởi khi lượng công nhân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rất lớn, giúp doanh nghiệp mau chóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư