Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Công ty chứng khoán chưa hết khát vốn
Thanh Thủy - 08/05/2022 10:04
 
Kế hoạch huy động vốn vay lẫn vốn chủ sở hữu là chủ đề được quan tâm tại các cuộc họp cổ đông công ty chứng khoán năm 2022, với hình thức huy động đa dạng hơn.

Đa dạng kênh huy động

Thông tin tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đồng thường niên, ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, Công ty đang trao đổi với đối tác cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu quốc tế dài hạn, với số vốn kỳ vọng là 300 triệu USD, chia ra trong 1-2 đợt. Theo lãnh đạo VNDirect, đây là một kênh huy động vốn chưa công ty chứng khoán nào tại Việt Nam tiếp cận.

Năm 2021, VNDirect đã có những bước đi đầu tiên kéo thành công dòng vốn ngoại về, với khoản vay hợp vốn nhiều định chế tài chính nước ngoài có tổng hạn mức 200 triệu USD. Khoản vay trên đã được VNDirect phòng ngừa 100% rủi ro tỷ giá.

Huy động vốn vay nước ngoài cũng là điều Công ty cổ phần Chứng khoán SSI thực hiện từ năm 2019. Công ty đã tiếp cận được nguồn vốn tín chấp tổng cộng 267,5 triệu USD trong riêng năm 2021 và hoàn tất thêm một hợp đồng vay vốn tín chấp 148 triệu USD từ nhóm định chế tài chính nước ngoài hôm 4/4.

Tuy nhiên, không nhiều công ty chứng khoán tiếp cận được kênh huy động này, chủ yếu là một số công ty quy mô vốn lớn và nhóm chứng khoán. Nguồn vốn vay của các công ty chứng khoán hiện dựa nhiều vào vốn vay các ngân hàng trong nước và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Thống kê trên 30 công ty chứng khoán, giá trị vốn huy động từ kênh trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2021 đạt trên 21.000 tỷ đồng, gấp 2,35 lần một năm trước đó.

Cũng là kênh trái phiếu, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, một số công ty chứng khoán đang bỏ ngỏ kế hoạch chào bán trái phiếu ra công chúng. Dù chưa đưa ra những con số cụ thể, nhưng các công ty chứng khoán MBS và SHS đều trình cổ đông cho phép phát hành và niêm yết trái phiếu theo hình thức trên.

Do các yêu cầu khắt khe hơn, chào bán trái phiếu ra công chúng không được nhiều tổ chức phát hành lựa chọn thời gian qua. Giá trị phát hành qua kênh trái phiếu ra công chúng các năm qua chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5%. Tuy nhiên, với ưu điểm có thể tiếp cận số lượng nhà đầu tư không giới hạn cùng việc kênh trái phiếu riêng lẻ đang trải qua đợt thanh lọc lớn, dự kiến sẽ có nhiều hơn tổ chức phát hành lựa chọn kênh chào bán trái phiếu này.

Bên cạnh vốn vay, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn cổ phần sau 2 năm ồ ạt tăng. Ngoài thương vụ Hana Financial Investment (HFI) mua 35% vốn Công ty Chứng khoán BIDV đã đi đến bước hoàn tất cuối cùng sau hơn 2 năm chờ đợi, VNDirect và SSI đều trình kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ trong cuộc họp cổ đông thường niên năm nay.

Trong khi BSC chào bán 65,7 triệu cổ phần, thì SSI dự kiến bán tối đa hơn 104 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Còn VNDirect lên kế hoạch bán 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tính theo lượng cổ phiếu hiện tại, con số phát hành tương đương 243,6 triệu cổ phiếu.

Năm nay, nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lựa chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông để giữ vốn tái đầu tư, thay vì chi trả bằng tiền mặt. MBS tiếp tục chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1, dự kiến thu về gần 595 tỷ đồng, sau khi hoàn tất đợt chào bán tương tự với tỷ lệ 7:3 năm 2021.

Tránh phụ thuộc tín dụng ngân hàng nội

Giải thích về việc tiếp tục mở rộng quy mô vốn, tại cuộc họp cổ đông cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo MBS cho biết, việc tăng vốn với công ty này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh kênh tín dụng ngân hàng sẽ siết hơn với các lĩnh vực, trong đó có chứng khoán.

Cùng với bất động sản và một số lĩnh vực, đầu tư kinh doanh chứng khoán nằm trong nhóm lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Nhiều chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước các năm qua đều chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro này.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh chứng khoán; hoàn thiện các quy định kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán như quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%.

Ngoài mục tiêu tránh phụ thuộc tín dụng ngân hàng nội, việc tăng vốn điều lệ hay đa dạng nguồn vốn huy động cũng nhằm phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Sau năm 2021 tăng trưởng nóng toàn ngành chứng khoán, một số công ty đề ra kế hoạch kinh doanh dè dặt sau năm nay. Dù vậy, một số khác vẫn tự tin với kế hoạch tăng trưởng hai chữ số, bất chấp chứng khoán Việt Nam trải qua một nhịp điều chỉnh sâu ở thời điểm khá nhiều công ty chứng khoán tổ chức đại hội cổ đông.

Hai năm qua, hoạt động cho vay margin, khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng tăng lên nhanh chóng của các công ty chứng khoán gặp hạn chế vì quy mô vốn. Song tương lai, dự báo nhu cầu của thị trường để có cơ sở cho kế hoạch huy động vốn là không dễ dàng, nhất là khi các thị trường tài chính giai đoạn này biến động khó lường do các yếu tố địa chính trị, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát sau giai đoạn nới lỏng mà nhiều nền kinh tế đang thực hiện.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước đều ban hành chỉ thị chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Kế hoạch kinh doanh “giảm nhiệt” ở nhiều công ty chứng khoán
Trái ngược với con số tăng trưởng mạnh mẽ năm 2021, nhiều công ty chứng khoán trình cổ đông kế hoạch năm 2022 có phần giảm nhiệt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư