Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Công ty chứng khoán đua giảm phí, nhà đầu tư hưởng lợi
 
Việc bỏ quy định về mức sàn phí giao dịch chứng khoán từ ngày 15/2/2019 được nhìn nhận sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh về phí mạnh mẽ trong khối công ty chứng khoán.

Nhà đầu tư được hưởng lợi

Thông tư 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn (0,15%) như quy định cũ.

Quy định mới này, dưới góc nhìn của tổng giám đốc một công ty chứng khoán, có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua giảm phí giữa các công ty chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.

Thực tế, dù trước kia có quy định về mức sàn phí giao dịch, nhưng một số công ty chứng khoán đã “kín đáo” áp dụng mức phí rất thấp so với mức sàn, thậm chí có công ty còn miễn phí đối với một số đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng VIP. Một số công ty áp dụng phí theo đúng quy định, nhưng sau đó tìm cách “back” lại toàn bộ số phí cho khách hàng như Công ty Chứng khoán Techcombank. Mục tiêu của các công ty này là nhằm thu hút nhà đầu tư, “kích” thị phần môi giới tăng lên.

Với quy định về phí giao dịch, có quan điểm cho rằng, khi thị trường chứng khoán đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn của sự phát triển công nghệ thì việc áp dụng mức phí như thế nào nên để tự các công ty chứng khoán quyết định. Bởi kể cả khi không áp dụng phí, các công ty chứng khoán vẫn có nguồn thu từ cho vay margin, thu phí tư vấn (nếu chất lượng tư vấn của Công ty tốt, được khách hàng tin tưởng).

Trên thị trường hiện có khoảng  hơn 70 công ty chứng khoán, nhưng Top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất đang chiếm xấp xỉ 70%. Như vậy, 60 công ty chứng khoán đang cạnh tranh giành giật khoảng 30% thị phần còn lại.

Năng lực tài chính, trình độ chuyên môn và công nghệ giữa các công ty chứng khoán Top 10 với các công ty chứng khoán nhỏ có sự chênh lệch nhất định, nên trong cuộc cạnh tranh về giá phí, nhiều công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty nhỏ có thể gặp khó khăn hơn.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Tuấn (Hà Nội) cho rằng, có ba yếu tố được nhà đầu tư quan tâm lựa chọn dịch vụ của một công ty chứng khoán, đó là nền tảng công nghệ, hỗ trợ tài chính và tư vấn thông tin. Chính vì vậy, nếu các công ty chứng khoán giảm phí giao dịch thì nhà đầu tư sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Các công ty chứng khoán có nhiều các dịch vụ đa dạng sẽ giúp nhà đầu tư tăng sự lựa chọn, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư.

Việc không quy định mức sàn phí môi giới là một thay đổi lớn về tư duy của cơ quan quản lý thị trường. Điều này mang đến nhiều thuận lợi đối với thị trường, kích thích nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư, làm tiền đề cho việc tạo thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hướng tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định này cũng gây khó khăn cho một số công ty chứng khoán nhỏ và phần nào giảm bớt động lực môi giới của các broker, khi không còn nhận được “hoa hồng phí”.

Thử làm phép tính với giá trị giao dịch toàn thị trường năm 2018 là hơn 1,54 triệu tỷ đồng, với mức phí môi giới bình quân ở mức sàn là 0,15% trên cả chiều mua và chiều bán, phí giao dịch toàn thị trường là 4.620 tỷ đồng. Môi giới thường được hưởng mức hoa hồng bình quân khoảng 30 - 40%, tương đương với khoảng 1.386 - 1.800 tỷ đồng. Nếu các công ty chứng khoán cắt giảm phí giao dịch, các broker sẽ bị “thiệt hại” thu nhập không hề nhỏ. 

Chuyển động của khối công ty chứng khoán

Trước khi ban hành Thông tư 128/20188/TT-BTC, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các thành viên thị trường nên các công ty chứng khoán không còn bất ngờ với quy định mới về phí giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán vẫn bày tỏ hồi hộp với phản ứng của thị trường.

“Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ phải đi theo thị trường, không thể đứng ngoài xu hướng khi phần lớn các công ty chứng khoán cùng chạy đua theo xu hướng. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang suy nghĩ để đưa ra quy chế phí phù hợp, để tính đến sự phát triển lâu dài của Công ty”, tổng giám đốc của một công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng cho biết.

Chuyển động rõ ràng nhất về chính sách phí được ghi nhận trên thị trường là việc Công ty Chứng khoán Ngân hàng VPBank (VPBS) đã công bố miễn phí giao dịch trên tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở (tài khoản thường - đuôi 1), nhưng chỉ áp dụng cho những khách hàng mở mới tài khoản từ ngày 8/1/2019 và có hiệu lực từ 15/2/2019.

Không chỉ miễn phí giao dịch chứng khoán cơ sở, hiện VPBS đang áp cũng miễn phí đối với giao dịch phái sinh. Bên cạnh việc miễn, giảm phí giao dịch, VPBS cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng với những gói sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

Trong khi đó, tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, phí giao dịch chỉ là một phần công cụ, còn gắn bó giao dịch  lâu dài với công ty chứng khoán thì phải đến từ nhiều yếu tố khác.

Hiện tại, MBS cũng như một số công ty chứng khoán lớn khác cho biết vẫn đang thống nhất giữ chính sách phí như hiện tại, bởi đi kèm với đó là chất lượng dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư. Trong tương lai, có thể tùy vào chuyển biến của thị trường mà các công ty chứng khoán sẽ đưa ra các chính sách phù hợp, nhưng dù chính sách nào thì vẫn phải đảm bảo lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán.

Trong khi đó, chia sẻ từ Tổng giám đốc của một công ty chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty sẽ tính đến việc giảm phí, thậm chí miễn phí để để hút khách trong giai đoạn đầu để gia tăng thị phần trong thời gian tới.

Dù chưa công bố cụ thể, nhưng Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong tương lai, Công ty sẽ ban hành các gói phí cho từng nhóm đối tượng khách hàng, trong đó biểu phí cho từng gói đảm bảo phù hợp và cạnh tranh với thị trường.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Vũ Thạch, Giám đốc điều hành vận hành Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, việc bỏ quy định phí sàn giao dịch sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường với chi phí minh bạch và thấp hơn trước.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư cá nhân, nhu cầu không phải phí thấp, mà là hiệu quả đầu tư với mức độ an toàn của tài sản. Vì vậy, các nhà đầu tư này thường không quá chú trọng vào biểu phí, mà còn quan tâm đến các yếu tố quan trọng khác như mức độ ổn định và an toàn trong hệ thống giao dịch, chất lượng đội ngũ tư vấn

“Định hướng của VNDIRECT là tập trung đầu tư vào nền tảng vốn, công nghệ, chất lượng dịch vụ tư vấn và bảo vệ tài sản nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư. Với nền tảng công nghệ ổn định và phát triển, VNDIRECT tự tin với khả năng thích ứng với xu thế giảm phí mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng” ông Thạch chia sẻ.

Nhiều công ty chứng khoán tự tin về những thế mạnh vốn có của mình, nhưng trong tương lai, cuộc chiến thị phần có thể không chỉ đến từ hệ thống công nghệ, chất lượng dịch vụ mà có thể còn đến từ cuộc cạnh tranh về mức phí.

Cổ phiếu công ty chứng khoán: Chuyện lạ, mã nhỏ mà giá... to
Một số công ty chứng khoán nhỏ gây bất ngờ khi giá cổ phiếu cao ngất ngưởng, “vượt mặt” nhiều công ty lớn cùng ngành. Tồn tại này như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư