Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Công ty Cổ Phần Đầu tư Đèo Cả: Dấu ấn 2015
Huỳnh Quế Sơn - 02/01/2016 09:15
 
Chính thức khánh thành dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa, Dự án Hầm Cổ Mã thông xe kỹ thuật, hầm Đèo Cả đạt tiến độ đáng ghi nhận, khởi công xây dựng hầm Cù Mông… Tất cả các sự kiện này đã tạo nên dấu ấn nổi bật cho Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) trong năm 2015.
TIN LIÊN QUAN

Từ Đèo Cả, Cù Mông…

Ngày 26/9/2015, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên, Bình Định và DCIC đã tổ chức lễ động thổ xây dựng hầm Cù Mông (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả). Dự án nằm giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên và là một phần của Dự án hầm Đèo Cả với chiều dài toàn bộ dự án là 6,62 km, trong đó, hầm Cù Mông dài 2,6 km. Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt tổng mức đầu tư của Dự án hầm Cù Mông là 3.921 tỷ đồng và giao Ban quản lý dự án 85 làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, DCIC là chủ đầu tư.

Dự án được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I xây dựng 2 ống hầm song song cách nhau 30 m, bề rộng mỗi ống hầm là 9,75 m, trong đó hoàn thiện 1 ống hầm để khai thác 2 chiều (mỗi chiều 1 làn xe), ống hầm còn lại dùng làm hầm lánh nạn. Dự kiến giai đoạn I sẽ hoàn thành vào năm 2018. Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2040): sẽ hoàn thành ống hầm còn lại để khai thác mỗi ống hầm lưu thông 1 chiều với 2 làn xe.

Hầm Cổ Mã, một trong những hạng mục của Dự án Hầm Đèo Cả trước giờ thông xe kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Thủy
Hầm Cổ Mã, một trong những hạng mục của Dự án Hầm Đèo Cả trước giờ thông xe kỹ thuật. Ảnh: Hoàng Thủy

Cùng ngày 26/9/2015, Bộ Giao thông - Vận tải và DCIC đã tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật hầm Cổ Mã (thuộc xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Đây là một hạng mục thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT.

Dự án hầm Cổ Mã được phê duyệt với Tổng mức đầu tư 784 tỷ đồng do DCIC làm chủ đầu tư. Điểm đầu Dự án tại Km 11+159, thuộc xã Đại Lãnh và điểm cuối tại Km 12+179, thuộc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hầm Cổ Mã được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm qua núi của Nhật Bản và TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đến nay, sau hơn 2 năm khởi công, Dự án đã hoàn thành trước thời hạn 2 tháng.

Sự kiện trên đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của DCIC trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Đáng ghi nhận, theo thông tin mới nhất do ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc DCIC, đến thời điểm ngày 30/12/2015, tiến độ khoan mỗi ống hầm tại Dự án Hầm đường bộ đèo Cả đạt khoảng 1.500m/ống/mỗi đầu. Tính cả hai đầu, tổng chiều dài khoan đạt 3.000 m/mỗi ống.

Hàng loạt hạng mục thuộc Dự án Hầm đường bộ đèo Cả đã được hoàn thành như hầm Cổ Mã, các hạng mục hỗ trợ như đường công vụ, tuyến đường chính nối hầm Đèo Cả… đã hoàn thành, hoặc đạt tiến độ đáng ghi nhận. Điều này thể hiện sự trưởng thành của DCIC trong quản lý điều hành đầu tư dự án cũng như nỗ lực của các nhà thầu.

Đối với Dự án hầm Cù Mông, đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư 3.921 tỷ đồng cho Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải và Chủ đầu tư - DCIC chuyển từ nguồn vốn đầu tư hầm đường bộ đèo Cả do Bộ Giao thông - Vận tải và DCIC tiết kiệm được nhờ vào các giải pháp kỹ thuật trong thi công hầm Đèo Cả, với tổng vốn tinh giản hơn 4.000 tỷ đồng. Đây có thể xem là “một tên trúng hai  đích”, bởi không chỉ hoàn thành Dự án hầm Đèo Cả có chất lượng tốt, mà còn giải quyết nốt bài toán hầm qua đèo Cù Mông không phát sinh thêm vốn đầu tư.

Ông Mai tự tin khẳng định rằng, với kinh nghiệm quản lý điều hành Dự án hầm Đèo Cả hiên tại, DCIC cùng với các nhà thầu sẽ tập trung đưa tiến độ thông hầm Đèo Cả vào tháng 9/2016. Và với kinh nghiệm đó, DCIC tin tưởng sẽ triển khai hoàn thành đúng tiến độ Dự án hầm Cù Mông vào tháng 12/2018.

Ông Mai cũng tiết lộ thêm, đối với những nhà đầu tư hạ tầng như DCIC rất chia sẻ cùng với trăn trở của Bộ Giao thông - Vận tải về hoàn thiện thông toàn tuyến quốc lộ 1A, giúp các địa phương  thúc đẩy kinh tế phát triển thông qua việc mở rộng giao thương, tạo kết nối thu hút đầu tư có hiệu quả. “Với sự trăn trở đó, sau khi tinh giản được chi phí đầu tư từ Dự án hầm đường bộ Đèo Cả thông qua việc xử lý kỹ thuật mà không tác động đến chất lượng công trình, lãnh đạo DCIC đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục dùng số tiền đó để đầu tư dự án hầm Cù Mông”, ông Mai chia sẻ.

Sự thành công của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả làm tăng thêm niềm tin của Chính phủ đối với Dự án hầm Cù Mông trong tương lai. Và quan trọng hơn, theo như ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, sự thành công lớn nhất của các dự án hạ tầng có độ khó như hầm đường bộ là, nước ta đã hình thành một đội ngũ cán bộ, kỹ sư tốt, có thể đảm nhận được nhiều dự án phức tạp mà trước kia chỉ có những nhà thầu quốc tế danh tiếng đảm nhận.

Đến Hải Vân 2

Ngày 26/5/2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Công văn số 735/TTg-KTN gửi các bộ Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân và bổ sung vào Dự án hầm đường bộ Đèo Cả.

Theo đó, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với quy mô 4 làn xe và bổ sung vào Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả; tiếp tục giao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thực hiện. Trước đó, ngày 22/4/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2796/VPCP - KTN gửi các bộ liên quan lấy ý kiến về chủ trương đầu tư mở rộng Hầm đường bộ Hải Vân và bổ sung vào Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và được các bộ chấp thuận chủ trương này.

Được biết, việc đầu tư mở rộng Dự án Hầm đường bộ Hải Vân cũng đã được Chính phủ tính đến từ năm 2002. Theo đó, tại Công văn số 584/CP-CN, do Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 28/5/2002 chấp thuận nội dung: “Xây dựng mở rộng hầm lánh nạn thành hầm chính thứ 2” do Bộ Giao thông - Vận tải trình và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Gần đây nhất, chiều ngày 11/12/2015 tại Hà Nội, VietinBank Chi nhánh Hà Nội đã ký Hợp đồng tín dụng trị giá 1.190 tỷ đồng tài trợ Dự án Đầu tư xây dựng hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân giai đoạn I của DCIC.

Tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã khẳng định, đây là bước tiến mới trong việc xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ trưởng Trường cho biết, từ năm 2012 đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng từ các nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ, ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ còn huy động nguồn vốn bằng hình thức xã hội hóa và hệ thống ngân hàng có đóng góp rất lớn. VietinBank đứng đầu trong tốp các ngân hàng tài trợ cho dự án của Bộ Giao thông - Vận tải.

“DCIC dù mới thành lập, nhưng có cách thức triển khai rất bài bản, lựa chọn được đội ngũ cán bộ, chuyên gia tốt. Đặc biệt Công ty đã chọn VietinBank là ngân hàng rất có uy tín để cùng hợp tác xây dựng các dự án. Sự vào cuộc của VietinBank nhằm phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Trường khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, VietinBank xác định DCIC là đối tác chiến lược, uy tín. VietinBank “toàn tâm, toàn ý” với Công ty trong triển khai các dự án ngay từ giai đoạn đầu tiên. Lễ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 1.190 tỷ đồng này tiếp tục khẳng định mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hiệu quả giữa DCIC và VietinBank. Chủ tịch HĐQT VietinBank kỳ vọng, lễ ký sẽ mở ra những cơ hội hợp tác  lớn hơn nữa giữa 2 đơn vị trong thời gian tới vì lợi ích của hai bên và của xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư