Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Công ty cổ phần Dược Hà Tây: Hàng tồn kho giảm, rủi ro vẫn ẩn nấp
Chí Tín - 25/07/2019 08:38
 
Đặc điểm dễ nhận thấy trong hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của Công ty cổ phần Dược Hà Tây (mã DHT, sàn HoSE) là kho hàng của Công ty đã “nhẹ nhõm” hơn đáng kể và lợi nhuận cũng có xu hướng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn chưa hẳn đã hết.
.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Dược Hà Tây đạt 904 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng trưởng 17,9%); lợi nhuận trước thuế 61,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 49,5 tỷ đồng (tăng trưởng 23%).

Lợi nhuận tăng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, Dược Hà Tây đạt lợi nhuận trước thuế 30,8 tỷ đồng; theo đó, lợi nhuận sau thuế gần 24,7 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2018. Việc lợi nhuận của Dược Hà Tây tăng được thể hiện trên cả 2 nguyên nhân, đó là doanh thu tăng trong khi một số khoản chi phí được tiết giảm hơn so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần quý II của Dược Hà Tây đạt gần 503 tỷ đồng, tăng 34% so với quý II/2018, đồng thời, công ty này cũng giảm được hơn 6 tỷ đồng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý II/2019 nếu so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Dược Hà Tây đạt 904 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng trưởng 17,9%); lợi nhuận trước thuế 61,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 49,5 tỷ đồng (tăng trưởng 23%).

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2019, Dược Hà Tây đặt ra mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 102 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 của Công ty đạt 53,2% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế đạt 60,3% kế hoạch.

Hàng tồn kho giảm

Tại thời điểm cuối năm 2018, một số ý kiến đặt vấn đề quan tâm về sự tăng quy mô của hàng tồn kho, mối quan tâm này đặt trên căn cứ các số liệu giá trị hàng tồn kho tăng liên tục trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018. Điều này làm vòng quay hàng tồn kho bình quân bị chậm lại trong mấy năm vừa qua, giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần nhắc lại rằng, tại thời điểm cuối 2018, ông Lê Xuân Thắng, Tổng giám đốc Dược Hà Tây cũng đã có ý kiến trao đổi với Báo Đầu tư khi cho biết, Công ty sẽ tiếp tục rà soát mức tồn kho sao cho phù hợp.

Thực tế diễn biến hàng tồn kho trong 2 quý đầu năm 2019 cho thấy, giá trị hàng tồn kho của công ty này đã có xu hướng giảm. Hàng tồn kho tại thời điểm ngày 1/1/2019 đã giảm 3,4% so với cuối quý III/2018. Tiếp đó, hàng tồn kho tại thời điểm 30/6/2019 đã tiếp tục giảm thêm 17,6% so với đầu năm, còn 304,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối kỳ so với doanh thu quý chỉ còn 60,5%, giảm đáng kể so với tỷ lệ 76,6% tại thời điểm cuối quý III/2018.

Vẫn còn rủi ro “ẩn náu”

Mặc dù một số chỉ tiêu kinh doanh và tài chính đã có chiều hướng cải thiện trong năm 2019, nhưng rủi ro tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh của Dược Hà Tây không phải đã hết.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tuy cao hơn không nhiều so với vốn chủ sở hữu, nhưng phần lớn là nợ ngắn hạn, với tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng nợ lên tới 98,7%. Trong số đó, con số vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là khoản mục lớn nhất, có giá trị 186,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 49% nợ ngắn hạn.

Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hiện tuy khá nhỏ (hơn 300 triệu đồng), nhưng rủi ro thu nợ vẫn là ẩn số bởi các khoản phải thu ngắn hạn đang có xu hướng tăng và nếu không được kiểm soát tốt, rất có thể phát sinh rủi ro chuyển thành phải thu khó đòi, hoặc gia tăng chi phí tài chính.

Trong nửa đầu năm 2019 là giai đoạn Dược Hà Tây có biểu hiện bị đối tác chiếm dụng vốn nhiều hơn, cả phía bên mua hàng và bên bán hàng. Trong cơ cấu tài sản, khoản trả trước cho người bán tại thời điểm cuối tháng 6/2019 tăng hơn 75% so với đầu năm. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng thậm chí tăng tới 83,3% so với đầu năm, đạt giá trị 160 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2019.

Về kinh doanh, áp lực cạnh tranh vẫn tiếp tục gia tăng, khiến công ty này phải cố sức gồng mình. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019, ông Lê Xuân Thắng cho biết, theo quy định đến năm 2021, các nhà máy dược phẩm phải đạt tiêu chuẩn GMP-EU, phía Dược Hà Tây đã có kế hoạch thuê đất xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Kinh phí đầu tư xây dựng nhà máy rất lớn và Công ty đang cân nhắc việc vay vốn ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để đầu tư cho dự án trên.

Niêm yết, lưu ký bổ sung và trả 20% cổ tức tiền mặt

Đầu tháng 7/2019, Dược Hà Tây niêm yết bổ sung gần 1,9 triệu cổ phiếu và mới đây, công ty này cũng đăng ký lưu ký thêm gần 400.000 cổ phiếu. Đến nay, tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Dược Hà Tây là hơn 21,1 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra, Hội đồng Quản trị công ty cũng đã thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Điểm danh những khoản nợ tồn tại Dược Hà Tây
Công ty cổ phần Dược Hà Tây (mã DHT, sàn HNX) vừa có nội dung trả lời Báo Đầu tư về một số khoản nợ tồn đọng chưa được thể hiện rõ, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư