Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty đa quốc gia chiếm 30% khách thuê của WeWork
Hồng Phúc - 14/03/2019 15:56
 
Ông Turochas T Fuad, giám đốc điều hành WeWork Đông Nam Á cho biết, hiện 25% khách thuê không gian làm việc tại văn phòng WeWork Việt Nam là các công ty công nghệ, thương mại điện tử trong và ngoài nước. Con số này được cho là vượt kỳ vọng của WeWork sau hơn 2 tháng khai trương.

“Tại Singapore, có đến 45% khách thuê của chúng tôi là các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Trong khi con số bình quân tại 27 quốc gia mà chúng tôi có mặt là 30%. Một năm sau khi mở không gian làm việc chung tại Singapore, tính từ tháng 12/2017, WeWork đã mở thêm 10 địa điểm mới. Tại Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội, mở rộng sự xuất hiện của WeWork tại các toà nhà dù phải đối mặt với thách thức là sự khan hiếm mặt bằng văn phòng hạng A”, ông Turochas T Fuad, giám đốc điều hành WeWork Đông Nam Á nói.

WeWork định vị là nền tảng dành cho những nhà sáng tạo, nơi cung cấp không gian, cộng đồng và dịch vụ giúp các khách thuê “sống để làm việc, không phải chỉ làm việc để sống”.

Tại Việt Nam, WeWork khai trương văn phòng làm việc chung đầu tiên tại E.Town Central, quận 4, TP.HCM, với 4 tầng (từ tầng 22 đến tầng 25).

“Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đổ rất nhiều vào khiến chúng tôi dành thời gian rất lâu để cân nhắc cho quyết định tiến vào thị trường Việt Nam. Theo sau đó, tầng lớp trung lưu tăng đều, đặc biệt tại TP.HCM đang thực hiện nhiều biện pháp để trở thành Thành phố thông minh vào năm 2020. Đây cũng là thời điểm sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trên cả nước khiến chúng tôi hoàn toàn lạc quan về thị trường thuê văn phòng”, ông Turochas T Fuad cho biết thêm và đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất Đông Nam Á.

Cũng theo đại diện này, 8 năm trước, WeWork được thành lập chỉ với 1 địa điểm ở Soho, New York. Và đến nay, đã trở thành công ty tư nhân cung cấp không văn phòng lớn nhất tại Luân Đôn (Anh), Washington D.C và Manhattan (Mỹ).

Xuất hiện tại 100 thành phố ở 27 quốc gia, với 425 trung tâm và có trên 400.000 khách thuê là những cá nhân làm việc tự do đến những công ty vừa và nhỏ, các tập đoàn trong danh sách Fortune 500.

“Có khoảng 13.000 khách thuê của chúng tôi thuộc nhóm các tập đoàn lớn, chiếm 30% tổng số khách thuê của WeWork”, ông Turochas T Fuad chia sẻ. 

Cũng theo số liệu tự đánh giá của WeWork, 50% khách thuê của họ trên toàn cầu từng có ít nhất một giao dịch, hợp tác kinh doanh cùng nhau, và 45% khách thuê tại 27 địa điểm WeWork ở Mỹ khẳng định, không gian làm việc chung này giúp họ thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh.

Còn tại 2 địa điểm ở Luân Đôn, trung bình một công ty có 4 nhân viên tại đây tiết kiệm 24.000 bảng mỗi năm cho chi phí văn phòng, thấp hơn 38% so với các văn phòng bất động sản truyền thống. Điều này giúp doanh thu các công ty tại Anh tăng bình quân 34%/năm từ khi thuê văn phòng, không gian tại WeWork.

Thêm vào đó, các khách thuê WeWork tại Luân Đôn chi trung bình 55 bảng mỗi tuần cho thực phẩm, đồ uống và nhu yếu phẩm khác, cao gấp 3 lần so với mức trung bình của người dân địa phương, đóng góp 75 triệu bảng một năm tổng chi tiêu tại các cửa hàng địa phương.

“Nghiên cứu từ công ty tư vấn bất động sản HR&A cho thấy, WeWork có thể giúp chủ toà nhà tăng 29% giá thuê, trong đó, giá bán các toà nhà sau khi WeWork chuyển đến có thể tăng từ 50%-120%”, ông Turochas T Fuad nói và cho biết, WeWork có đội ngũ riêng biệt để tìm kiếm các toà nhà văn phòng phù hợp. 

Tuy nhiên, không gian văn phòng phù hợp ngày càng khan hiếm đi cùng mức giá thuê ngày liên tục tăng trở thành khó khăn cho việc mở thêm địa điểm của WeWork tại Việt Nam.

Kinh doanh không gian làm việc chung đắt hàng nhờ start-up "nở rộ"
Từ năm 2012, không gian làm việc chung tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 53%/năm. Con số này sẽ tiếp tục giữ ổn định bởi loại hình kinh doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư