Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty Tài Phong Kiên Giang: “Gặp hạn” với dự án nuôi tôm
Phú Khởi - 03/12/2014 09:06
 
Bị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi dự án giao cho nhà đầu tư khác, Công ty TNHH Sản xuất - Kinh doanh đá granite Tài Phong đang trầy trật đòi chủ đầu tư mới thanh toán những chi phí đã đầu tư vào dự án.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiên Giang: Khánh thành nhà máy chế biến thuỷ sản 170 tỷ đồng
Phú Quốc chính thức lên đô thị loại II
Kiên Giang phát triển mạnh kinh tế biển
Kiên Giang có thêm 2 thành phố và 2 huyện mới
Kiên Giang quy hoạch 21.850 ha đất nuôi tôm

Bế tắc trong giải phóng mặt bằng

Ngày 20/4/2010, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư và ngày 10/12/2010 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Sản xuất - Kinh doanh đá granite Tài Phong thực hiện Dự án Nuôi tôm công nghiệp tại phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên.

  Công ty Tài Phong Kiên Giang: “Gặp hạn” với dự án nuôi tôm  
  Công ty Tài Phong đang trầy trật đòi chủ đầu tư mới thanh toán chi phí đã đầu tư vào dự án nuôi tôm bị thu hồi  

Ngay sau khi được tỉnh chấp thuận chủ trương, Công ty Tài Phong đã bắt tay triển khai Dự án, phối hợp cùng các ngành hữu quan thực hiện các bước trình tự, thủ tục đầu tư. Đến đầu năm 2011, các thủ tục đã hoàn tất và Công ty bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ bản.

Ông Ngô Minh Phong, Tổng giám đốc Công ty Tài Phong cho biết, khi hay tin doanh nghiệp sắp triển khai Dự án, những hộ dân mặc dù đã hết hợp đồng thuê đất, nhưng vẫn ồ ạt đưa máy móc vào khai thác, đắp bờ bao chiếm đất, canh tác, ngăn cản thi công. Trước tình hình đó, Công ty đã gửi nhiều công văn kiến nghị tỉnh hỗ trợ trong việc lập phương án hỗ trợ di dời.

UBND tỉnh Kiên Giang đã giao chính quyền địa phương sở tại phối hợp cùng Công ty để giải quyết, nhưng đến giữa năm 2012, vụ việc vẫn bế tắc. Trong lúc chính quyền địa phương chưa có cách hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, thì lại phát công văn đốc thúc tiến độ triển khai Dự án. Công ty Tài Phong đã phải gửi giải trình, kiến nghị đến UBND tỉnh Kiên Giang và các sở ngành nêu những khó khăn khách quan trên và đề nghị được hỗ trợ, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện Dự án thêm 6 tháng.

Ngày 1/3/2012, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Công văn số 204/UBND-KTCN về việc chấp thuận chủ trương gia hạn dự án, nhưng thời gian cho phép chỉ là 4 tháng và đi kèm với điều kiện là Công ty Tài Phong phải ký quỹ 10 tỷ đồng và hoàn trả lãi vay ngân hàng cho Công ty Đồng Lập (nhà đầu tư cũ) với số tiền 801.969.000 đồng.

“Tiền vay ngân hàng mà theo công văn này chúng tôi phải trả cho Công ty Đồng Lập trước đó đã được UBND tỉnh giải quyết tại Công văn số 574/UBND-NCPC ngày 29/6/2010, theo đó, do khoản tiền này không có chứng từ chứng minh cụ thể, nên không có cơ sở để chi trả”, ông Ngô Minh Phong cho biết.

Tuy nhiên, vì quyết tâm thực hiện Dự án, ngày 8/3/2012, Công ty Tài Phong đã có Công văn số 04/ĐN.2012 đề nghị tỉnh chấp thuận việc chi trả lãi vay cho Công ty Đồng Lập hạn chót là ngày 30/3/2012. Riêng số tiền ký quỹ sẽ được nộp vào theo tiến độ phê duyệt phương án di dời hỗ trợ tái định cư cho những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án (phê duyệt tới đâu chi trả đền bù tới đó). Thế nhưng, đề nghị này không được chấp thuận. Công ty Tài Phong tiếp tục có công văn kiến nghị với tỉnh cho phép giãn thời gian ký quỹ đến hạn chót 31/7/2012 để Công ty có đủ thời gian thu hồi vốn đang kinh doanh về để nộp ký quỹ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ chấp thuận cho Công ty đến hạn chót là 13/5/2012.

Ngày 15/5/2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang có Tờ trình số 139/TTr-SKHĐT trình UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư Dự án của Công ty Tài Phong với các lý do: Công ty chậm triển khai đầu tư, chưa ký quỹ 10 tỷ đồng, chưa hoàn trả chi phí lãi vay cho Công ty Đồng Lập.

Ngày 21/05/2012, UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn số 570/UBND-KTCN chấp thuận ý kiến đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi dự án đối với Công ty Tài Phong.

Theo ông Phạm Hồng Du, Phó tổng giám đốc phụ trách pháp lý, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của Công ty Tài Phong, thì các lý do mà UBND tỉnh nêu ra khi thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư của Công ty Tài Phong là chưa thuyết phục.

Có ưu ái cho “người đến sau”?

Ngày 28/8/2012, UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn 1022/UBND-KTCN về việc chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thông Thuận Kiên Giang (Công ty Thông Thuận) đầu tư Dự án Nuôi tôm công nghiệp tại phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, với diện tích đến 423,54 ha (bao gồm cả 324,88 ha của dự án Tài Phong vừa bị thu hồi).

Về quy định ký quỹ, ngày 25/9/2012, UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn số 1168/UBND-KTCN yêu cầu Công ty Thông Thuận phải ký quỹ 10 tỷ đồng trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký công văn này. Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo số 114/BC-SKHĐT gửi UBND tỉnh với nội dung: đến thời điểm đó, Công ty Thông Thuận đã đầu tư vào dự án 15 tỷ đồng, nhiều hơn số tiền ký quỹ, hơn nữa theo Quyết định 2618/QĐ-UBND tỉnh ngày 18/12/2012 về ký quỹ đầu tư thì dự án này không thuộc diện phải ký quỹ, nên kiến nghị UBND tỉnh không bắt buộc ký quỹ đầu tư đối với dự án này.

Gian nan đòi nợ chủ đầu tư mới

Sau khi Công ty Thông Thuận được tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang có công văn đề nghị Công ty Tài Phong liên hệ Công ty Thông Thuận để thỏa thuận việc hoàn trả chi phí đã đầu tư.

Khi đàm phán, Công ty Tài Phong cho biết đã đầu tư trên 17 tỷ đồng (có chứng từ kèm theo), nhưng Công ty Thông Thuận chỉ chấp thuận hoàn trả 10 tỷ đồng, trong đó chỉ trả trước 5 tỷ đồng, phần còn lại sẽ trả theo tiến độ giải tỏa đền bù của dự án.

Công ty Tài Phong đã không chấp nhận đề nghị này, vì theo ông Phong, việc hoàn trả tiền đã đầu tư và giải tỏa đền bù là hai việc khác nhau. Hơn nữa, trước đây trước đây, khi Công ty Tài Phong được cấp phép đầu tư, UBND tỉnh đã buộc họ phải thanh toán chi phí cho nhà đầu tư trước trong vòng 15 ngày.

Bức xúc của Công ty Tài Phong đã được UBND tỉnh giải quyết bằng Thông báo số 357/TB-VP ngày 14/10/2013: “Yêu cầu Công ty Thông Thuận thực hiện việc hoàn trả chi phí đầu tư một lần (thực hiện trước ngày 15/11/2013)”. Thế nhưng, qua thời hạn trên, việc chi trả vẫn không được thực hiện.

Mới đây nhất, ngày 25/11/2014, UBND đã triệu tập cuộc họp gồm một số sở, ngành liên quan và đại diện của Công ty Tài Phong và Công ty Thông Thuận để giải quyết vụ việc khiếu nại của Công ty Tài Phong. Sau khi nghe ý kiến các bên và các sở, ngành liên quan, ông Lê Khắc Ghi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì cuộc họp đã kết luận: Công ty Thông Thuận phải hoàn trả các khoản chi phí hợp lý cho Công ty Tài Phong, với số tiền 10 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán 7,5 tỷ đồng trong vòng 1 tháng, số còn lại thanh toán trong vòng 2 năm.

Hai bên đã nhất trí với kết luận đó, song khi thảo xong thỏa thuận, thì Giám đốc Công ty Thông Thuận Kiên Giang lại không chịu ký. Như vậy, vụ việc lại tiếp tục rơi vào bế tắc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư