Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Cốt tử là chế biến và phân phối
Nhã Nam - 19/12/2015 08:36
 
Dù biết yếu tố cốt tử với doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu nông sản là khâu chế biến và phân phối, song không nhiều DN dám mạnh tay đầu tư. Vấn đề là, doanh nghiệp muốn tiến xa hay chỉ dậm chân tại chỗ?

Như “gãi đúng chỗ ngứa” của doanh nghiệp, ngay sau khi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Cạnh tranh thời hội nhập - Lựa chọn chiến lược” được phát sóng, rất nhiều phản hồi từ các khán giả truyền hình, trong đó nhiều người là chủ doanh nghiệp, về cách xử lý tình huống của CEO, cũng như của các cổ đông.

Dễ hiểu, bởi tình huống đặt ra đối với doanh nghiệp trong chương trình cũng là tình huống mà phần đông doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua và chế biến hàng nông sản Việt Nam đang gặp phải. Đó là, sau khi thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ và xuất khẩu những lô hàng đầu tiên, doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ. Sự yếu thế là khá rõ, bởi không chỉ chi phí vận chuyển cao, mà công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến của doanh nghiệp Việt chưa hoàn thiện.

Chương trình kỳ này sẽ mang tới câu trả lời hữu ích cho doanh nghiệp
Chương trình kỳ này sẽ mang tới câu trả lời hữu ích cho doanh nghiệp

Trước tình hình này, CEO muốn đầu tư mạnh mẽ và bài bản hơn nữa cho khâu chế biến và phân phối các sản phẩm của công ty. Bởi CEO hiểu rằng, đây là những điểm yếu cốt tử đang cản trở đường đi của doanh nghiệp. Trong khi đó, các cổ đông lại cho rằng, chẳng dại gì mà tập trung đầu tư vào điểm yếu của mình, mà nên chuyển các khâu này cho một đối tác có khả năng hơn đảm nhiệm, công ty nên tập trung vào khâu sản xuất (trồng trọt, kiểm soát quy trình, chất lượng sản phẩm…).

Ngồi ở vị trí CEO, bà Lê Thị Bích Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đông Nam Á, thẳng thắn: “Phải rất khó khăn, doanh nghiệp mới có được cơ hội như ngày hôm nay. Bởi thế, nếu thay đổi chiến lược thì những cơ hội này sẽ mất, trong khi việc theo đuổi chiến lược mới chưa chắc đã thành công. Cần tiếp tục kiên định theo con đường đã đi và tập trung đầu tư thêm cho khâu chế biến và phân phối”.

Thực ra thì trong cuộc tranh biện thẳng thắn giữa CEO và các cổ đông, mỗi bên đều có lý của mình. Cũng giống như các khán giả theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, người ủng hộ CEO, nhưng cũng có người bỏ phiếu cho phương án của các cổ đông.

Trên trang fanpage của Chương trình, bạn Cẩm Dân khẳng định, đưa sản phẩm Việt ra thế giới là tốt, nhưng để tiến xa thì cần nền tảng vững chắc. “Tôi ủng hộ cổ đông, nên đầu tư cho sản phẩm trước”.

Trong khi đó, những người ủng hộ quan điểm của CEO thường hướng tới tầm nhìn dài hạn hơn, về một cơ hội được “ra biển lớn”.

“Tôi ủng hộ quan điểm của CEO. Nếu doanh nghiệp dám nghĩ dám làm thì những mặt hàng nông sản là thế mạnh, là đặc sản của Việt Nam sẽ ngày càng vươn xa khắp thế giới”, bạn Nguyễn Tấn Tài bình luận.

Nhiều khán giả, hẳn nhiên hiểu rõ những điểm yếu của ngành nông sản Việt Nam nên đã nhắc tới bài học của thanh long, cà phê, gạo…, khi phải làm thuê trên chính quốc gia của mình. Bởi thế, nếu không có chuỗi cung ứng, không tập trung đầu tư cho chế biến, bảo quản, thì sẽ chỉ thu về một khoản tiền nhỏ, “nhường” lợi nhuận lớn cho các đối tác khác.

Rõ ràng, chỉ một tình huống nhưng rất nhiều cách xử lý vấn đề khác nhau. Xử lý thế nào là tùy thuộc vào tầm nhìn của CEO, muốn tiến xa hơn trên thị trường toàn cầu hay chấp nhận với những thành công trong hiện tại.

Nếu doanh nghiệp của bạn cũng gặp phải tình huống tương tự, CEO sẽ hành xử như thế nào? Nếu như cuộc tranh biện giữa CEO và cổ đông đã giúp các CEO nhìn nhận được các vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, thì trong phần 2 của Chương trình, với sự xuất hiện của hai chuyên gia tư vấn là ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư tư nhân VINA - VP Capital và ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối CNTT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng VP Bank, sẽ mang tới nhiều câu trả lời hữu ích cho bài toán của các doanh nghiệp.

“Trồng cây gì, nuôi con gì” khi hội nhập?
Nỗi lo thua thiệt của ngành nông nghiệp Việt Nam khi hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư