Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chỉ làm thuê cho nước ngoài nếu “lơ tơ mơ” về hội nhập
Mạnh Bôn - 05/11/2015 08:40
 
Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu không biết tận dụng cơ hội, theo TSKH Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thì chúng ta sẽ chỉ đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.
.
TSKH Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Sau gần 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo ông, nền kinh tế đã được những gì?

Khi Việt Nam gia nhập WTO, tôi chưa tham gia Quốc hội, nhưng thường xuyên theo dõi các phiên họp Quốc hội qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nhớ, trước và sau thời điểm gia nhập WTO, rất nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có không ít đại biểu Quốc hội phát biểu rất hùng hồn rằng, gia nhập WTO, nền kinh tế sẽ cất cánh, hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ phát triển mạnh mẽ, hoạt động xuất khẩu và đầu tư đều tăng tốc… Qua gần 9 năm nhìn lại, đúng là gia nhập WTO, nền kinh tế thu được khá nhiều lợi ích như tăng trưởng xuất khẩu hàng năm ở mức 2 con số, thu hút đầu tư nước ngoài rất ấn tượng, cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, cho dù phải cắt giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm các mức thuế suất đối với thuế nội địa…

Nhưng cái giá phải trả cũng không ít, khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài cả đầu ra lẫn đầu vào; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng áp đảo doanh nghiệp nội địa trên mọi mặt trận, còn doanh nghiệp trong nước có phần thui chột về tỷ trọng xuất khẩu cũng như đóng góp cho nền kinh tế.

Tham gia TPP, doanh nghiệp nội địa chắc đã rút ra được “bài học xương máu”, ông có nghĩ như vậy không?

Bài học lớn nhất khi gia nhập WTO, cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho sân chơi chung rất ít; tỷ lệ doanh nghiệp nắm được thông tin về hội nhập, về thị trường mới mở, về cơ hội và thách thức rất hạn chế. Hy vọng, tham gia TPP, thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), doanh nghiệp đã có chút ít kinh nghiệm tham gia các sân chơi lớn.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do mà doanh nghiệp - chủ thể của hội nhập kinh tế, cứ “lơ tơ mơ” về hội nhập thì sẽ làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, cũng như người nông dân phải làm thuê cho người khác trên chính mảnh đất màu mỡ của mình. Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú; nguồn nhân lực dồi dào, thị trường hơn 90 triệu dân, chẳng khác gì người nông dân đang sở hữu mảnh đất màu mỡ, nếu doanh nghiệp không biết tận dụng, khai thác thì phải làm thuê cho người khác trên chính “bờ xôi ruộng mật” của mình.

Ngoài lo ngại doanh nghiệp nội đuối sức khi tham gia các sân chơi lớn như TPP, theo ông còn lo ngại nào khác không?

Theo tôi, điều đáng lo ngại hơn là đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không chịu hội nhậïp, không nâng cao trình độ của mình để đáp ứng yêu cầu mới. Điều này nguy hại hơn nhiều so với việc doanh nghiệp không đủ sức hội nhập. Bởi khi doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp thì họ sẽ giải tán, nhưng doanh nghiệp này giải tán thì có nhiều doanh nghiệp được thành lập. Chủ doanh nghiệp giải tán, ngừng kinh doanh ở lĩnh vực này thì họ sẽ tìm được lĩnh vực khác đầu tư hiệu quả hơn. Trong khi đó, đội ngũ công chức, viên chức nếu vẫn giữ tư duy quản lý doanh nghiệp thay vì coi doanh nghiệp là đối tác, vẫn cứ giữ thái độ ban phát cho doanh nghiệp thay vì cung cấp dịch vụ công thì quả là đáng lo ngại.

Công chức, viên chức là những người hoạch định chính sách, thực thi chính sách, giám sát và kiểm tra chính sách mà năng lực yếu, trình độ nửa vời, tư duy về kinh tế thị trường vẫn theo kiểu “huyện nhà”, “tỉnh ta”, yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức, người dân sử dụng sản phẩm do “huyện nhà”, “tỉnh ta” sản xuất thì quả là đáng lo ngại. Và còn lo ngại hơn nữa đội ngũ cán bộ, công chức này lại thiếu đạo đức công vụ thì sẽ cản trở quá trình hội nhập, cản trở sự phát triển.

Nhưng vấn đề là rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc cho cơ quan nhà nước. Có đại biểu Quốc hội liệt kê, 13 học sinh vô địch Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, được đi du học thì có 12 học sinh không về nước. Những người đi du học, nghiên cứu sinh, sau khi tốt nghiệp cũng không muốn về nước làm việc, nếu có về thì họ cũng làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế hoặc tập đoàn, tổng công ty, chứ rất ít người muốn làm việc cho cơ quan nhà nước?

Đúng là có tình trạng như vị đại biểu trên nêu ra. Những người có trình độ chuyên môn cao, học tập đạt kết quả xuất sắc ở nước ngoài, nhưng khi làm cho cơ quan nhà nước thì mức lương khởi điểm theo đúng quy định cũng chỉ chưa tới 3 triệu đồng. Nhưng theo tôi, để thu hút nguồn nhân lực giỏi, lương chỉ là một vấn đề. Vấn đề quan trọng không kém là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp phải tạo điều kiện cho người có thực tài được thể hiện tài năng; tạo điều kiện cho họ thực hành được các kiến thức đã học; phải tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh và tạo ra cơ hội để họ phấn đấu… Nếu làm được điều này, bên cạnh từng bước thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tôi tin rằng, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công hoàn toàn có thể thu hút được nguồn nhân lực giỏi, có kinh nghiệm.

Hội nhập ASEAN lợi ích gì cho bất động sản?
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư