Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Covid-19 là chất xúc tác để doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi
Hà Nguyễn - 01/09/2021 10:39
 
Khảo sát toàn cầu của Deloitte Private về các doanh nghiệp tư nhân năm 2021 đã cung cấp góc nhìn về cách các doanh nghiệp đối phó với tác động của đại dịch
Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới và trong hầu hết các lĩnh vực.

Trở nên kiên cường hơn trước Covid-19

Có lẽ, chưa có cuộc khủng hoảng nào trong lịch sử hiện đại lại có tác động lớn đến hoạt động hàng ngày của con người như đại dịch Covid-19.

Khảo sát toàn cầu mới nhất của Deloitte Private về các doanh nghiệp tư nhân cho thấy, các lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới đã tận dụng khủng hoảng này như một chất xúc tác, thúc đẩy sự thay đổi trên hầu hết mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống.

Cuộc khảo sát này được Deloitte thực hiện từ ngày 21/01 đến ngày 09/3/2021, thông qua OnResearch - một công ty nghiên cứu thị trường, để thăm dò ý kiến của 2.750 giám đốc điều hành của các doanh nghiệp có quy mô vừa trên khắp thế giới.

Đối tượng tham gia khảo sát chỉ giới hạn ở cấp giám đốc điều hành của các doanh nghiệp tầm trung với doanh thu hàng năm từ 10 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Kết quả cho thấy, 69% các doanh nghiệp tư nhân được khảo sát cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ. Thậm chí, không chỉ “châm ngòi” mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ.

Trong khi đó, 61% các doanh nghiệp tư nhân mong đợi hình thành các quan hệ đối tác và liên minh mới; 60% số người tham gia khảo sát tin rằng chuỗi cung ứng cần được thiết lập lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.

Phân tích kỹ hơn, Deloitte cho biết, vì chất xúc tác Covid-19, các doanh nghiệp tư nhân đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thông qua việc đầu tư và triển khai công nghệ nhiều hơn. Những sáng kiến đang trong quá trình triển khai được tăng tốc để hoàn thành, còn những sáng kiến đã lên bản thảo thì đã được triển khai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm các đối tác và liên minh mới. Họ theo đuổi các cơ hội mới để củng cố mạng lưới cung ứng và phát triển thị trường. Họ nỗ lực nhiều hơn để hiểu rõ mục đích hoạt động của doanh nghiệp vượt lên trên lợi nhuận, tìm kiếm những cách thức mới để phát triển bền vững và củng cố niềm tin với nhân viên, khách hàng và các bên liên quan.

“Thông qua khảo sát năm nay, chúng tôi phát hiện rằng nhiều doanh nghiệp tư nhân thấy họ trở nên kiên cường hơn, khẳng định tầm nhìn và kế hoạch của doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp càng kiên cường sẽ càng tự tin hơn về tương lai, có xu hướng đầu tư để tăng trưởng, và trưởng thành hơn khi nghĩ về mục đích hoạt động và vai trò của họ đối với xã hội”, Deloitte cho biết.

Theo Deloitte, từ trước đến nay, doanh nghiệp tư nhân luôn có những khác biệt về sự nhanh nhạy và tầm nhìn dài hạn, và những đặc điểm này đã định hướng cho nhiều doanh nghiệp ứng phó với cuộc khủng hoảng.

Kết quả khảo sát cho thấy rằng, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội từ những thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhiều lĩnh vực; đại dịch gần đây đã minh chứng cho sự thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai các sáng kiến ở hầu hết các doanh nghiệp.

Mong đợi sự phục hồi

Có thể nói, đại dịch Covid-19 toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới và trong hầu hết các lĩnh vực.

Chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với các hành lang thương mại tạm thời bị gián đoạn và năng lực sản xuất giảm đáng kể. Có tới 60% số người tham gia khảo sát tin rằng, chuỗi cung ứng cần được thiết lập lại do hậu quả trực tiếp của đại dịch.

Có 5 rủi ro lớn nhất được các doanh nghiệp đề cập, bao gồm tác động đến thị trường, đối với nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ; tác động đến vận hành, bao gồm chuỗi cung ứng, nhân sự, công nghệ thông tin, phân phối.

Bên cạnh đó, là rủi ro liên quan đến các cuộc tấn công mạng tiềm ẩn và bảo mật công nghệ thông tin; sự gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và chi phí nguyên vật liệu và các chi phí đầu vào khác.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều tin rằng, những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới.

Họ nhận định các rủi ro liên quan đến Covid-19 là những mối quan tâm hàng đầu trong 12 đến 36 tháng tới, trong đó những người quan ngại nhất là những người tham gia khảo sát đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho biết, doanh thu sẽ giảm nhẹ trong 12 tháng tới. Có 11% người tham gia khảo sát tin rằng, họ sẽ không tăng trưởng doanh thu trong năm nay, trong khi đó mức đánh giá vào hai năm trước chỉ là 5%.

Tuy nhiên, theo khảo sát, phần lớn người tham gia khảo sát đều tin rằng, doanh nghiệp của họ sẽ phục hồi sau đại dịch, với hơn 2/3 trong số đó tự tin rằng doanh nghiệp sẽ thành công trong 12 tháng tới. Họ cũng tin rằng hầu hết các chỉ số kinh doanh chính sẽ được cải thiện.

Doanh nghiệp tư nhân vượt sóng hậu Covid-19
Dù chịu tác động của Covid-19, nhiều dự án vẫn được các doanh nghiệp tư nhân triển khai, đáp ứng tiến độ. Đây là dấu hiệu cho thấy sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư