Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 12 năm 2024,
Covid-19 tấn công châu Á: Tokyo, Thái Lan, Malaysia có số ca nhiễm cao kỷ lục
Lê Quân - 01/08/2021 11:43
 
Thành phố đăng cai Thế vận hội Tokyo, cũng như Thái Lan, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục vào ngày 31/7 mà nguyên nhân chính là do biến thể nguy hiểm Delta.
Đông Nam Á đang vật lộn với đại dịch do biến thể Delta. Ảnh: AFP
Đông Nam Á đang vật lộn với đại dịch do biến thể Delta. Ảnh: AFP

Số ca nhiễm biến thể Delta tăng vọt đang làm chao đảo các nền kinh tế ở châu Á vốn trước đây khá thành công trong kiểm soát Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 tại thành phố Sydney (Australia) cũng tăng vọt và cảnh sát địa phương đã phong tỏa khu vực trung tâm thành phố nhằm ngăn chặn biểu tình phản đối áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch sẽ kéo dài đến cuối tháng 8.

Cảnh sát Sydney đã đóng cửa các nhà ga xe lửa, cấm xe taxi trả khách ở khu vực trung tâm thành phố, đồng thời triển khai 1.000 cảnh sát để thiết lập các trạm kiểm soát và giải tán tụ tập.

Chính quyền bang New South Wales đã ghi nhận 210 ca nhiễm Covid-19 mới ở Sydney và các khu vực lân cận do biến thể Delta.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã công bố số ca nhiễm Covid-19 tăng lên mức kỷ lục 4.058 trong 24 giờ qua. Các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo đã xác nhận 21 ca nhiễm mới liên quan đến sự kiện này, nâng tổng số ca nhiễm lên 241 kể từ ngày 1/7.

Trước đó 1 ngày, Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo đến cuối tháng 8 và mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với 3 tỉnh gần Tokyo và tỉnh phía Tây Osaka.

Các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo hôm 31/7 cho biết họ đã thu hồi giấy phép đối với một số người liên quan đến Thế vận hội vì đã rời làng vận động viên để tham quan. Đây được xem là hành vi vi phạm các quy định phòng dịch được áp dụng nhằm bảo đảm Thế vận hội diễn ra một cách an toàn.

Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo không tiết lộ số lượng người vi phạm các quy định phòng dịch, cũng như liệu họ có thuộc nhóm vận động viên hay thời điểm xảy ra vi phạm.

Malaysia, một trong những điểm nóng của đại dịch ở Đông Nam Á, đã xác nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục lên 17.786 ca nhiễm Covid-19 trong 31/7.

Còn Thái Lan đã xác nhận số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày ở mức cao kỷ lục 18.912 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 597.287. Thái Lan cũng xác nhận thêm 178 ca tử vong mới do Covid-19 và đây cũng là mức kỷ lục hàng ngày mới.

Theo thông tin từ chính phủ Thái Lan, biến thể Delta chiếm hơn 60% số ca nhiễm Covid-19 tại nước này và 80% ca nhiễm ở Bangkok. Ông Supakit Sirilak, Cục trưởng Cục Khoa học y tế Thái Lan cho rằng biến thể Delta không hẳn gây tử vong cao hơn các biến thể khác, nhưng dễ lây lan hơn nhiều.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Thammasat gần thủ đô Bangkok cho biết, nhà xác nơi đây đã quá tải người chết do Covid-19 và đã bắt đầu bảo quản các thi thể trong các container lạnh - biện pháp từng được sử dụng trong trận sóng thần năm 2004.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đối phó với sự bùng phát của biến thể Delta ở thành phố Nam Kinh - nơi phát hiện các nhân viên sân bay mắc Covid-19 sau khi dọn dẹp cabin của một máy bay từ Nga.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm Covid-19 đã tăng 80% trong vòng 4 tuần qua ở hầu hết các khu vực trên thế giới.

"Những thành quả khó giành được đang bị đe dọa hoặc trôi mất và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ, biến thể Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây lan như bệnh thủy đậu, nhưng mạnh hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường hoặc cúm.

WHO loay hoay lý giải tại sao Delta nguy hiểm hơn nhiều so với các chủng trước
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đang cố gắng tìm hiểu tại sao biến chủng Delta lây lan mạnh hơn và khiến người nhiễm trở bệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư