Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
CPI 7 tháng chỉ tăng 2,54%, Chính phủ vẫn yêu cầu ưu tiên kiểm soát lạm phát
Hà Nguyễn - 29/07/2022 10:21
 
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54%, nhưng áp lực lạm phát còn lớn.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải cho mức tăng này, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn tăng cao; nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng; và giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Sau xăng dầu thì việc giá thịt lợn đang tăng cao cũng gây ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam

Tháng 7/2022, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.

Cụ thể, các nhóm hàng tăng giá bao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+ 1,37%); đồ uống và thuốc lá (+0,39%); may mặc, mũ nón, giày dép (+0,32%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,49%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,32%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,79%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,43%)…

Như vậy, tăng giá mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Đây cũng là nhóm giữ quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, do vậy đã tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.

Trong đó, lương thực tăng 0,31%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 1,6%, tác động tăng 0,34 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%, tác động tăng 0,11 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 7 từ năm 2018 đến năm 2022

   Đơn vị tính: %

 

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

CPI tháng 7 so với tháng trước 

-0,09

0,18

0,40

0,62

0,40

CPI tháng 7 so với cùng kỳ năm trước

4,46

2,44

3,39

2,64

3,14

CPI tháng 7 so với tháng 12 năm trước

2,13

1,59

-0,19

2,25

3,59

CPI bình quân 7 tháng năm 2022 nay so với cùng kỳ năm trước

3,45

2,61

4,07

1,64

2,54

Cũng theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng 0,4% của tháng Bảy, thì bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức không quá cao, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao ở các nước Âu, Mỹ. Việt Nam, có thể nói, vẫn đang kiểm soát tốt vấn đề lạm phát.

Tuy nhiên, hôm qua (28/7), khi báo cáo tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với một số bộ ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù CPI bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu so với cuối năm 2021 thì đã tăng 3,59%, và gấp gần 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,59%).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm, vẫn còn lớn. Và áp lực này sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho điều hành vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kết quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Trước thực tế này, khi kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Trong khi đó, Chỉ số giá vàng tháng 7/2022 giảm 2,39% so với tháng trước; tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 6,58%.

Còn Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 0,08%.

Cải cách là chìa khóa giảm áp lực đối với lạm phát
Dù mối lo lạm phát có vẻ đang làm khó mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam là phục hồi tăng trưởng, song cải cách thể chế có thể là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư