Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
CTCP Bến xe tàu phà Cần Thơ thu phí "dịch vụ sử dụng sân đường" dựa trên cơ sở nào?
Hưng Phú - 22/06/2015 09:19
 
Trong khi đại diện Sở Tài chính Cần Thơ cho rằng, khoản thu và mức thu dịch vụ sử dụng sân đường là không có cơ sở thì Sở GTVT vẫn khẳng định, thu như thế là hợp lý.

Thu cao hơn giá niêm yết.

Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, từ ngày 1/6/2015, Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ tiến hành thu phí “dịch vụ sử dụng sân đường”, cụ thể là thu phí xe mô tô, ô tô cá nhân khi lăn bánh vào khu vực bến xe. Việc tận thu này đã gây bất bình cho người dân. Người dân càng bức xúc hơn khi nhà xe niêm yết giá một đằng, thu một nẻo, mức thu thực tế cao hơn giá niêm yết.

Cụ thể, mức thu cho một lần xe ô tô cá nhân 9 chỗ trở xuống ra vào bến là 11.000 đồng, trong khi công ty này cho đăng thông báo trên báo địa phương và thông báo giá gửi các cơ quan chức năng chỉ là 10.000 đồng/lượt. Khi thu tiền, đơn vị này có xuất hoá đơn giá trị gia tăng, nhưng ghi là thu kiêm lệnh xuất bến, trong hoá đơn không ghi đầy đủ thông tin về khách hàng, địa chỉ, mã số thuế…

Xe cộ phải chen chúc nhau vì bến xe quá chật hẹp.
Xe cộ phải chen chúc nhau vì bến xe bến xe 91B (Cần Thơ) quá chật hẹp

 

Ông Trần Khởi Nghĩa, Phó phòng Hành chính-Quản trị, Cục thuế TP.Cần Thơ cho biết:  Việc doanh nghiệp xuất hoá đơn giá trị gia tăng cho khách hàng mà không điền đầy đủ thông tin là đã vi phạm Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Hoá đơn không ghi đầy đủ thông tin là hoá đơn không hợp lệ. Trên hoá đơn ghi thu lệnh xuất bến nhưng lại sử dụng thu cho dịch vụ khác và thu cao hơn giá thông báo là không đúng.

"Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh đối với doanh nghiệp này ", ông Nghĩa nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Hoàng Thị Huệ, Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Cần Thơ cho biết: hình thức thu của đơn vị này đối với dịch vụ sử dụng sân đường là loại dịch vụ mà bà cũng mới nghe. Xét về hình thức thì giống như thu phí đầu tư phần đường vào bến xe theo hình thức đầu tư - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Tuy nhiên, theo bà Huệ, doanh nghiệp muốn thu theo hình thức BOT thì phải khai báo với cơ quan chức năng về chi phí đầu tư hợp lý thể hiện bằng hoá đơn chứng từ hẳn hoi và doanh nghiệp phải trình phương án thu phí để thu hồi vốn trong thời gian bao lâu. Khi phương án thu phí được duyệt thì doanh nghiệp mới được phép thu.

Bà Huệ cũng nói thêm, doanh nghiệp này có công bố với ngành chức năng là tổng chi phí bỏ ra đầu tư nâng cấp bến xe cho đến nay đã lên đến 40 tỷ đồng, nhưng chưa chứng minh được cụ thể bằng hoá đơn chứng từ pháp lý. Bà Huệ cũng đồng ý mức thu mà Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ đưa ra thu dịch vụ sử dụng sân đường là không có căn cứ, cơ sở nào và cao gấp nhiều lần mức thu phí của đường cao tốc là bất hợp lý.

hoá đơn giá trị gia tăng ghi một đằng thu một nẻo.
Hoá đơn giá trị gia tăng ghi một đằng thu một nẻo.

 

Ví dụ, đường cao tốc Trung Lương -TP.HCM dài khoảng 50 km nhưng xe dưới 12 chỗ đi qua chỉ đóng phí 40.000 đồng/lượt, tính ra 1km chưa đến 1.000 đồng, 1 mét chỉ 1 đồng. Trong khi đó, đoạn đường từ cổng vào bến xe Cần Thơ và đi ra chỉ khoảng 100 mét nhưng thu đến 11.000 đồng. Tính ra, mỗi mét đường thu đến hơn 100 đồng, như vậy là đã gấp hơn 100 lần đường cao tốc. Nếu đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM áp dụng mức thu như bến xe tàu Cần Thơ thì mỗi lượt xe qua phải đóng phí lên đến gần 6 triệu đồng!

Trong khi người dân đang bức xúc với việc thu phí dịch vụ sử dụng sân đường của đơn vị này thì ngày 10/6, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Cần Thơ đã ký ban hành công văn số 309/BC-SGTVT cho rằng: Công ty cổ  phần Bến xe tàu phà Cần Thơ thu giá dịch vụ xe ô tô, mô tô sử dụng sân đường là phù hợp tại điểm d, khoản 1, điều 6 và khoản 1 điều 7 của Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15-10-2014 của Liên Bộ tài chính – Bộ giao thông vận tải ban hành.

Nói về việc này, Luật sư Trần Thanh Phong, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc khẳng định, không có căn cứ pháp lý nào để Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ thu dịch vụ sân đường như đang làm. 

Theo Luật sư Trần Thanh Phong, để áp dụng đúng Thông tư Liên tịch số152/2014/TTLT-BTC-BGTVT, trước hết phải xác định đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 của Thông tư này nêu rất rõ đối tượng áp dụng là “doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh vận tải) và kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh dịch vụ) trên lãnh thổ Việt Nam”. Như vậy, điều kiện tiên quyết để áp dụng Thông tư này phải là các “đối tượng kinh doanh”, chứ không thể có đối tượng nào khác nên không thể áp dụng thu đến hộ cá thể người sử dụng phương tiện ô tô, mô tô cá nhân ra vào bến xe không vì mục đích kinh doanh.

.
Luật sư Trần Thanh Phong, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc

Giả sử như nếu có áp dụng thu tiền người điều khiển xe ô tô, mô tô cá nhân ra vào bến xe thì phải áp dụng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 6, là “dịch vụ xe ra vào bến xe” chứ không phải là “dịch vụ khác tại bến xe” quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 6 của Thông tư Liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT và thẩm quyền quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô được quy định tại : Điểm a khoản 2 Điều 6 của Thông tư trên nêu rất rõ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào loại bến xe ô tô để quy định khung giá hoặc mức giá cụ thể đối với dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô trên địa bàn”.

Như vậy, không có căn cứ pháp luật nào để Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ ban hành quy định thu tiền đối với các đối tượng là chủ phương tiện xe mô tô, ô tô cá nhân ra vào bến xe mà không nhằm mục đích kinh doanh.

Từng bị "nghiêm khắc phê bình" vì thay đổi công năng bến xe

Tháng 3/1995, công trình Bến xe khách Cần Thơ hiện nay (Bến xe 91B) được khởi công xây dựng với quy mô 3,5 ha, tổng vốn đầu tư gần 15 tỉ đồng. mục đích xây dựng bến xe này nhằm thay thế cho bến xe ở đường Hùng Vương. Đến cuối năm 2002, công trình hoàn thành và tháng 1-2003, Bến xe 91B chính thức được bàn giao về cho Xí nghiệp Bến xe tàu Cần Thơ (nay là Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ) quản lý và khai thác song song với Bến xe đường Hùng Vương. Dự kiến sau khi tuyến quốc lộ 91B, Nguyễn Văn Cừ nối dài làm xong thì sẽ chuyển hẳn bến xe Hùng Vương tập trung về bến xe 91B.

Thế nhưng vào đầu năm 2009, Công ty cổ phần Bến xe tàu phà Cần Thơ đã dành khoảng 2/3 diện tích bến xe 91B để xây dựng xây dựng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ loại II hơn 20.000 m2. Việc làm này đã phá vỡ quy hoạch chung,  và thay đổi mục đích công năng sử dụng đất của dự án.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Cần Thơ đến năm 2025 (Quyết định số 1809/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ ngày 23-7-2008 đã phê duyệt), Bến xe mới đường Hùng Vương trước năm 2015 sẽ được chỉnh trang thành bến xe buýt trung tâm và sau năm 2015, sẽ nghiên cứu để xây dựng bến xe buýt kết hợp với bãi đỗ xe ngầm và tầng phục vụ khu vực trung tâm thành phố. Còn Bến xe 91B sẽ đóng vai trò chủ yếu là bến xe liên tỉnh của thành phố.

Sau này, khi Bến xe Cái Răng quy mô 15-20 ha được xây dựng và đưa vào sử dụng thì Bến xe 91B sẽ trở thành bến xe liên tỉnh phụ (phục vụ một số tuyến ngắn) kết hợp bãi đậu xe tải, bãi đậu xe các loại phục vụ khu vực trung tâm TP Cần Thơ. Và Bến xe 91B được xác định tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo dưỡng - duy tu- sửa chữa thường xuyên. Thế nhưng, sau khi Công ty cổ phần Bến xe tàu phà cho xây dựng Trung tâm sát hạch thì diện tích còn lại chỉ hơn 10.000 m2. Việc di dời bến xe Hùng Vương về bến xe 91B được chính quyền địa phương lên kế hoạch từ năm 2009, nhưng phải trì hoãn nhiều năm mãi cho đến cuối tháng 2 năm nay mới thực hiện được, mọi dự định ý tưởng quy hoạch được phê duyệt trước đây bị “phá sản” vì không còn đủ diện tích.

Vì là bến xe duy nhất tại trung tâm TP. Cần Thơ nên mỗi ngày bến xe này có khoảng 700 lượt xe ra vào với khoảng 10.000 lượt hành khách, trong khi diện tích bến xe chỉ khoảng 10.000 m2 (bằng bến xe Hùng Vương cũ) nên bến xe này đang trong tình trạng quá tải, không đảm bảo về an toàn và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Ngành chức năng đã phải hối thúc doanh nghiệp đầu tư bến xe tại quận Cái Răng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành một số hạng mục chính đi vào khai thác để giảm áp lực cho bến xe hiện hữu.

Xung quanh đến vụ việc “bê bối” trong quản lý bến xe 91B, lãnh đạo tiền nhiệm TP.Cần Thơ đã phải nhìn nhận khuyết điểm trước HĐND thành phố và sau đó ban hành công văn nghiêm khắc phê bình lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường vì đề xuất chưa tới nơi tới chốn, chưa làm tròn trách nhiệm khi cho đơn vị này xây dựng Trung tâm sát hạch ở mặt bằng bến xe dẫn đến việc chuyển đổi công năng phần lớn diện tích đất của bến xe.

Thế nhưng, sau khi "nghiêm khắc phê bình" thì đến nay, địa phương vẫn để cho Trung tâm sát hạch này hoạt động bình thường trong lòng bến xe và mỗi ngày hàng trăm xe cộ ra vào bến lại phải chịu cảnh chen chúc, chật chội...

Được biết, trước đó, vào năm 2012 và 2014, Thanh tra của Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã từng phát hiện việc thu phí không đúng quy định của đơn vị này như: xe vào một bến nhưng thu hai lần tiền (một lần ở bến 91 và bến Hùng Vương) và với mức lệ phí trông xe qua đêm cao hơn mức quy định từ 20 - 30%.

Chuẩn bị tăng thêm chuyến bay Cần Thơ - Đà Lạt
Ông Trương Văn Vinh, Giám đốc chi nhánh Công ty du lịch Vietravel Cần Thơ cho biết: sau gần 1 tháng khai thác đường bay Cần Thơ-Đà Lạt cho thấy công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư