Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Cú hích quan trọng thúc giải ngân đầu tư công
Hà Nguyễn - 02/12/2024 09:05
 
Việc Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), có thể nói, sẽ tạo cú hích quan trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Điều này là quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công đang chậm, trong khi đây là một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên, mà những năm gần đây, chuyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Cũng không phải ngẫu nhiên, Chính phủ hối thúc việc phải sửa đổi ngay Luật Đầu tư công và trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Mục tiêu là tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, tạo đột phá cho giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước một số ý kiến cho rằng, chưa nên thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) trong kỳ họp này, cũng đã nhấn mạnh rằng, việc thông qua Luật tại Kỳ họp thứ tám sẽ tạo căn cứ pháp lý đồng bộ để các bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, áp dụng ngay trong năm 2025, phục vụ việc chuẩn bị xây dựng và thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Tương tự, việc sửa Luật chắc chắn có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Bởi lẽ, trong rất nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài chuyện năng lực nhà thầu, giá nguyên vật liệu…, còn có vấn đề liên quan đến phân cấp, phân quyền; có chuyện thủ tục giải ngân các dự án ODA chưa thật sự phù hợp; lại có cả những vướng mắc liên quan đến thủ tục chuẩn bị dự án, đến việc đền bù, tái định cư…

Những vướng mắc này sẽ được giải tỏa trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) mà Quốc hội vừa chính thức thông qua. Khi vướng mắc, khó khăn được sửa từ gốc, thì sẽ không lo chuyện “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, cũng tránh được tình huống “vốn chờ dự án”, qua đó, nguồn lực sẽ được khai phóng, được sử dụng hiệu quả hơn, từ đó tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Số liệu được Bộ Tài chính công bố mới đây cho thấy, ước đến cuối tháng 11/2024, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 411.000 tỷ đồng, bằng 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ còn 2 tháng (tính đến cuối tháng 1/2025) là niên hạn ngân sách 2024 kết thúc, nhưng vẫn còn hơn 230.000 tỷ đồng cần được giải ngân. Như vậy, cuối năm sẽ lại “vất vả” để chạy đua giải ngân.

Trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực cải cách, sửa đổi thể chế, chính sách chỉ là một phần; công tác chỉ đạo, điều hành có vai trò vô cùng quan trọng. Thế nên, mới có chuyện trong cùng một mặt bằng thể chế, chính sách, có bộ, ngành, địa phương giải ngân nhanh, nhưng cũng có bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm, thậm chí còn phải xin trả lại vốn vì biết không thể hoàn thành kế hoạch.

Một ví dụ rất dễ thấy. Trong 11 tháng qua, trong khi có 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương ước có tỷ lệ giải ngân cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước, thì vẫn còn tới 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương ước có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, có một số đơn vị hiện chưa giải ngân được khoản vốn nào. Nhiều địa phương có số vốn được giao lớn, như TP.HCM, Bắc Ninh…, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nước. Bởi thế, dù Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được thông qua, song để tạo đột phá về thể chế, chính sách, thì điều quan trọng trước tiên là phải nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Đương nhiên, kèm theo đó là công tác chỉ đạo, điều hành trong giải ngân đầu tư công cũng phải quyết liệt hơn.

Trong Luật Đầu tư công (sửa đổi), chuyện phân cấp, phân quyền được thực hiện triệt để với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều này càng khẳng định chắc chắn một điều rằng, công tác chỉ đạo, điều hành sẽ có vai trò quyết định đối với giải ngân đầu tư công. Do đó, tới đây, các bộ, ngành, địa phương càng phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với đầu tư công.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Giải ngân vốn đầu tư công đến nay mới đạt trên 52%, cách khá xa mục tiêu 95% năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư