Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Cú hụt chân của Sài Gòn Co.op Mart mở đường cho hàng Thái
Hoàng Sơn - Công Sang - 10/05/2016 08:39
 
Việc mua hụt Big C của Sài Gòn Co.op Mart đang để lại những cái tặc lưỡi tiếc nuối dành cho nhà bán lẻ nội này kèm theo những tiếng thở dài lo lắng về tương lai hàng Việt trước làn sóng đổ bộ của hàng Thái Lan.
TIN LIÊN QUAN

Hàng Thái xôn xao

Cuối tháng 4 vừa qua, Sài Gòn Co.op đã chính thức rút lui, nhường Big C lại cho Central Group. Nguyên nhân, theo ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op Mart nói tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, là do Công ty gặp rắc rối về các thủ tục giấy tờ liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Theo một chuyên gia, Casino bán Big C là để giảm nợ vay, cơ cấu lại nợ, nói chung là bán trong tâm lý thu tiền về càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Sài Gòn Co.op muốn mua Big C phải vay ngân hàng. “Central Group, với lợi thế về tài chính và thủ tục đơn giản, đã giành được quyền mua Big C”, vị này phân tích.

Sài Gòn Co.op Mart “sảy chân” trong thương vụ mua lại Big C Việt Nam được xem là tin vui với hàng Thái Lan.
Sài Gòn Co.op Mart “sảy chân” trong thương vụ mua lại Big C Việt Nam được xem là tin vui với hàng Thái Lan.

Đây được xem là tin vui của các doanh nghiệp Thái Lan đã và đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Bà Peraya Sophanchitvatana, đại diện Công ty TNHH P.Sang Udom Trading, đơn vị có hơn 40 năm kinh doanh kẹo tại Thái Lan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Hacks, Bensons và Yes Candy cho biết, Công ty đã xây dựng hệ thống phân phối có mặt khắp các cửa hàng tạp hóa, siêu thị và Big C Thái Lan.

Với việc người Thái mua lại chuỗi Metro và Big C, việc đưa các thương hiệu kẹo mà P.Sang Udom Trading sở hữu vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ dễ dàng hơn trong thời gian tới. “Người Việt Nam vốn đã rất thích hàng Thái và đây là cơ hội rất lớn để chúng tôi đưa hàng của mình vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng Thái đảm bảo chất lượng, nên vào thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ có chỗ đứng”, bà Peraya Sophanchitvatana nhận định.

Tương tự, bà Huỳnh Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH Trang Việt, chuyên phân phối hàng gia dụng của Thái, cho biết, Công ty mới nhập khẩu hàng Thái 3 năm nay, nhưng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hàng năm là 25 - 35%. Hiện sản phẩm của Công ty đã vào Coopmart, Vinmart, nhưng chưa vào Big C vì chiết khấu khá cao. Với việc Big C và Metro về tay người Thái, bà Trang kỳ vọng đối tác bên Thái Lan sẽ trực tiếp thương lượng với Big C để đem sản phẩm vào các chuỗi siêu thị này.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2016, thuế đánh vào các mặt hàng gia dụng của Thái đã giảm từ 5% xuống 0% do Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bà Trang cho biết, Trang Việt sẽ tận dụng cơ hội này phân phối thêm các mặt hàng như dao, muỗng, nĩa.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng trong thời gian tới, Việt Nam chắc chắn sẽ chứng kiện sự đổ bộ của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác của Thái Lan sau khi các “ông lớn” đã đi trước để dọn đường. Đó là xác nhận của bà Pitinun Samanvorawong, Lãnh sự Thương mại Thái Lan tại Việt Nam, đồng thời là Giám đốc của Cục Xúc tiến thương mại quốc tế, thuộc Bộ Thương mại Thái Lan (DITP) tại Việt Nam.

Đây là chương trình đã được Chính phủ Thái Lan kết hợp cùng khu vực tư nhân thực hiện hơn 2 năm qua, nhằm hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này xuất ngoại sang thị trường các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp lớn sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan bằng cách cung cấp thông tin và những đầu mối liên lạc, “mai mối” doanh nghiệp tại mỗi thị trường mà doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan muốn đến.

“Cụ thể, BJC (Berli Jucker) hỗ trợ khai thác thị trường Việt Nam, SCG sẽ hỗ trợ tìm cơ hội cung cấp vật liệu xây dựng cho Campuchia vào quý III/2016. Còn Bangkok Bank đóng vai trò nhà tư vấn và giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được vốn”, bà Pitinun Samanvorawong nói.

“Còn nước còn tát”

Trong khi hàng Thái đang đón nhiều tin vui với những kế hoạch mở rộng và chiến lược cụ thể, thì ở chiều ngược lại, hàng Việt đang trong tâm trạng lo lắng. Việc mất Big C, hệ thống bán lẻ lớn thứ hai ở Việt Nam với 32 siêu thị, chỉ sau mỗi Sài Gòn Co.op Mart, đã đưa doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vào thế giằng co gay gắt, thay vì chiếm thế thượng phong so với doanh nghiệp Thái.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng doanh thu của Big C và Metro (về tay BJC) là hơn 24.000 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu của Sài Gòn Co.op Mart (hơn 26.000 tỷ đồng, báo cáo năm 2014). Đó là chưa kể, BJC còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích B’Smart, trong khi mảng kinh doanh này của Sài Gòn Co.op chưa thực sự mạnh.

Tuy nhiên, giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, vẫn “còn nước còn tát”. Ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập nhìn nhận, đây là xu hướng chung của hội nhập, doanh nghiệp nên chấp nhận cạnh tranh. Không nên quá lo lắng vì 20 năm trước, khi nền kinh tế vẫn non trẻ, nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành hàng gia dụng vẫn cạnh tranh và phát triển mạnh đến nay. “Cần nhìn nhận là, ngành nào hội nhập, ngành đó càng phát triển nhanh”, ông Hiển nói.

Công bằng mà nói, Chính phủ đã hạn chế các công ty nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ từ rất lâu để doanh nghiệp trong nước có thời gian phát triển. Nhưng ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam lại phát triển quá chậm. Nếu như ở Thái Lan, tỷ lệ các cửa hàng hiện đại, siêu thị chiếm 60%, thì ở Việt Nam, quyền lực ngành bán lẻ vẫn trong tay các kênh bán hàng truyền thống.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước không ngần ngại trước cuộc cạnh tranh sắp tới tới. Ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), đơn vị sẽ đưa dòng sản phẩm nước dừa đóng hộp vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới cho biết, đối với dòng sản phẩm này, Công ty sẽ cạnh tranh không chỉ với hàng Thái Lan, mà còn cả hàng Philippines, Indonesia…

Ông Đức cho biết, Betrimex đi theo hướng tự nhiên với các công nghệ hiện đại, nhưng có giá thành rẻ hơn các sản phẩm cùng loại ít nhất là một nửa. Công ty không chỉ nhắm vào thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang các nước ở khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. “Hiện nay, các nước đi trước Việt Nam hàng chục năm trong ngành công nghiệp dừa. Chúng tôi đi sau, nhưng hoạch định chiến lược làm sao bước ngắn nhất, nhưng cạnh tranh tốt nhất”, ông Đức nói.

Tương tự, ông Phạm Xuân Thơ, Giám đốc Kinh doanh của Đại Đồng Tiến cho rằng, dù dỡ bỏ hàng rào thuế quan, nhưng đặc thù ngành nhựa gia dụng là chiếm diện tích, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, nên giá thành vẫn sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm cùng chất lượng của Công ty. Ngoài ra, ông Thơ cho biết, Đại Đồng Tiến trong năm nay sẽ đẩy mạnh thị trường nông thôn để củng cố vị thế.

Song song đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tìm cách xuất ngược hàng hóa sang nước bạn. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) để đưa hàng Việt Nam đến các nước trong AEC. Trước hết, Trung tâm sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm ăn ở thị trường AEC của các doanh nghiệp đi trước. Bên cạnh đó, BSA sẽ tổ chức thành từng nhóm doanh nghiệp Việt sang các thị trường lân cận để giảm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh.

Về các thị trường mà BSA tập trung trong thời gian tới, bà Hạnh cho rằng, lợi thế nhất vẫn là Campuchia, xa hơn một chút là Indonesia. Đối với Malaysia, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về mặt hàng thực phẩm, vì khẩu vị tương đối giống nhau. Doanh nghiệp thâm nhập các thị trường này cũng không cần phải có quy mô lớn. Chẳng hạn như thực phẩm Bích Chi và Công ty Cơ khí Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ đang khai thác thị trường này khá tốt.

“Xa hơn, chúng tôi cũng tính tới thị trường Philippines và Myanmar. Riêng thị trường Myanmar dù khá hấp dẫn, vì không đòi hỏi quá cao về chất lượng hàng hóa, nhưng vị trí địa lý xa, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, thanh toán phải thông qua Singapore, Hồng Kông…, nhưng cũng đã có 30 doanh nghiệp đang kinh doanh tốt ở đây”, bà Hạnh nói.

Dẫu biết rằng, xu hướng hội nhập không thể cưỡng lại được, song cú hụt chân của đại gia bán lẻ Sài Gòn Co.op Mart khiến nhiều người phải thở dài lo lắng cho tương lai của hệ thống phân phối và thị trường bán lẻ nội địa - lĩnh vực xương sống của nền kinh tế tự chủ - trước sự đổ bộ của nhà đầu tư ngoại, trong đó có người Thái.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư