Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
“Của để dành” dự phòng phải thu khó đòi giúp lợi nhuận Agriseco tăng 93%
Tùng Linh - 20/07/2023 09:14
 
Dù doanh thu đi ngang, lợi nhuận Agriseco tăng vọt nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi hàng chục tỷ đồng. Cuối quý II, CTCK này vẫn còn 1.140 tỷ đồng “nợ xấu” đã trích lập.
Hạch toán hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi là nguyên nhân chính
Hạch toán hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi là nguyên nhân chính giúp Agriseco tăng trưởng quý II

Lợi nhuận tăng nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi

CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco, mã CK: AGR) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với mức lợi nhuận cao gấp đôi cùng kỳ.

Nguyên nhân chính giúp Agriseco tăng trưởng vượt trội là nhờ chi phí hoạt động trong kỳ giảm sâu 88,3% xuống chỉ còn gần 5,5 tỷ đồng. Theo ông Lê Sơn Tùng – Tổng giám đốc Agriseco, công ty đã ghi nhận hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi trong kỳ. Đã có gần 18 tỷ đồng được hoàn nhập trong riêng quý II và 34 tỷ đồng hoàn nhập trong nửa đầu năm. Chi phí hoạt động giảm mạnh đã giúp công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 93% so với cùng kỳ và đạt gần 42 tỷ đồng trong riêng quý II.

Agriseco hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi hàng chục tỷ đồng - Nguồn: BCTC

Tại quý vừa qua, doanh thu hoạt động đạt hơn 87 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu hoạt động kỳ này, phần lãi từ cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37 tỷ đồng, nhưng giảm 5,7% so với cùng kỳ. Phần lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đứng thứ 2 với gần 37 tỷ đồng, mảng này tăng đến 82% so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới kỳ này chỉ đạt gần 16 tỷ đồng, giảm 18%, trong khi đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 11% và đạt 8,2 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, doanh thu hoạt động giảm gần 8,5% và đạt 172 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động giảm đến 85%. Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng ở nửa đầu năm 2023, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Agriseco đã hoàn thành được hơn 39% mục tiêu về doanh thu và 59% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế đề ra trong năm nay.

Lợi nhuận sau thuế của Agriseco các quý gần đây (đơn vị: tỷ đồng).

Dư nợ margin tăng 37%, phải thu khó đòi dù giảm vẫn còn cả nghìn tỷ đồng

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Agriseco đạt 3.045 tỷ đồng, tăng 8,5% so với thời điểm đầu năm. Tài sản tài chính ở mức 2.847 tỷ đồng, trong đó có 1.107 tỷ đồng đến từ khoản mục HTM (tiền gửi) và 1.371 tỷ đồng từ các khoản cho vay. Công ty có 1.330 tỷ đồng dư nợ cho vay margin ở thời điểm kết thúc quý II, tăng 37% so với đầu năm. Khoản tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý gần 460 tỷ đồng.

Danh mục FVTPL và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) lần lượt ở mức 40 tỷ đồng và 285 tỷ đồng, tuy nhiên, công ty không thuyết minh chi tiết cổ phiếu nắm giữ tại các khoản mục này.

Một nhóm tài sản hiện đã được Agriseco đưa ra ngoại bảng là các khoản phải thu khó đòi với tổng giá trị dự phòng đã trích lập đến cuối quý II/2023 là 1.140 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng khoản đầu tư trái phiếu Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (nay là SBIC) có giá trị 599 tỷ đồng, đã trích lập 100% và được đánh giá là không có khả năng thu hồi.

Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn có một số khoản phải thu là khoản cam kết mua và bán lại chứng khoán phái sinh trước ngày có hiệu lực của Thông tư 210/2014 chưa thu hồi được và cũng đã trích lập đầy đủ. Giá trị khoản phải thu này đã giảm gần 40 tỷ đồng so với đầu năm, về còn 504,3 tỷ đồng. Từng hao hụt lợi nhuận vì nợ xấu, khoản mục này đang trở thành “của để dành” giúp Agriseco có thêm nguồn thu từ hoàn nhập dự phòng các quý vừa qua và tạo nên các khoản lợi nhuận đột biến như vừa ghi nhận.

Tập đoàn Thành Công bất ngờ bật mí việc đứng sau Chứng khoán DSC từ năm 2021
Tập đoàn Thành Công công bố thông tin CTCP Chứng khoán DSC (mã DSC - sàn UPCoM) nằm trong hệ sinh thái.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư