Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
“Cục máu đông” vẫn chưa được phá
Mạnh Bôn - 23/05/2013 06:21
 
Chia sẻ với báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và 2013 bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, TS. Trần Du lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM bày tỏ quan điểm “lo nhiều hơn mừng”.
TIN LIÊN QUAN

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và 2013?

Theo đánh giá chung, nền kinh tế giữ được tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô được cải thiện.

Lãi suất tín dụng giảm, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vốn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại và cán cân tổng thể được cải thiện...

Theo tôi, nhận định trên khá khách quan, phản ánh được tình hình thực tế, nhưng phân tích sâu thì không hẳn như vậy, mà có khi lo còn nhiều hơn mừng.

Lo nhiều hơn mừng thể hiện ở những điểm nào, thưa ông?

Ví dụ, nói năm 2012 chúng ta ổn định được tỷ giá, giảm được lãi suất, cán cân thương mại được cải thiện là không hề sai. Nhưng nếu giả sử, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đặt ra (tăng 15-17%), tổng đầu tư toàn xã hội đạt 33% GDP, chứ không phải là 28,5% GDP thì liệu có xuất siêu được 780 triệu USD, hay lại nhập siêu như những năm trước (10-14 tỷ USD/năm). Như vậy thì cán cân thương mại và cán cân tổng thể làm gì được cải thiện, tỷ giá làm sao có thể ổn định được!

Ngoài ra, để đạt được những thành tích kể trên, nền kinh tế cũng đã phải trả giá là tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,03% thay vì tăng 6-6,5%; thu ngân sách hầu như chỉ đạt kế hoạch, thay vì vượt hàng chục ngàn thậm chí vượt cả trăm ngàn tỷ đồng như những năm trước đây.

Song lãi suất giảm mạnh từ đầu năm 2012 đến nay cũng là thành tích đáng ghi nhận?

Việc giảm mạnh được lãi suất và kiềm chế được lạm phát trong hơn một năm trở lại đây đúng là thành tích đáng ghi nhận, nhưng có lẽ là… hơi muộn so với thực tế cuộc sống đòi hỏi.

Vào thời điểm này năm ngoái, vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp là cần giảm mạnh lãi suất. Lãi suất đã giảm, nhưng hơi muộn, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản, giải thể, ngừng hoạt động. Vì thế, đến lúc này, lãi suất cho vay của ngân hàng đúng là thấp, song cũng chẳng có nhiều doanh nghiệp muốn vay nữa. Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp từ chối vay vốn với lãi suất có thể nói là thấp nhất từ trước đến nay, chỉ với 8-9%/năm, bởi họ cũng chẳng biết vay vốn để làm gì. Tình trạng này kéo dài thì vô cùng nguy hiểm.

Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế chính là không hấp thụ được vốn.

Vào thời điểm này năm ngoái, tại Kỳ họp Quốc hội thứ 3, ông nhận định nợ xấu là “cục máu đông” khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị nghẽn lại. Hiện tại, ông cho rằng, “cục máu đông” chính là nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Vậy phá “cục máu đông” này bằng cách nào?

Nợ xấu vẫn còn là “cục máu đông”, nhưng cục máu này đã nhỏ dần và không còn là nguyên nhân gây ra “trọng bệnh” nữa, nhất là sau khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hàng loạt chính sách, giải pháp để xử lý.

Trọng bệnh của nền kinh tế lúc này chính là không hấp thụ được vốn do thị trường suy giảm; niềm tin của doanh nghiệp vào các cơ chế, chính sách suy giảm. Như vậy, để phá “cục máu đông” này thì chỉ có cách là khơi dậy niềm tin.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhằm vực dậy niềm tin của doanh nghiệp, thưa ông?

Nghị quyết 02/NQ-CP đưa ra nhiều giải pháp rất đúng và rất trúng, nhưng đến nay, có thể nói các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết còn quá chậm, nên niềm tin của doanh nghiệp giảm dần. Khi niềm tin đã giảm thì chẳng ai dám bỏ vốn, vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vì thế, nền kinh tế không hấp thụ được vốn cũng là lẽ đương nhiên.

Còn về dài hạn, ngay sau Hội nghị Trung ương 3 (năm 2011), Chính phủ đã hoàn thiện Đề án Tái cấu trúc nền kinh tế với 3 lĩnh vực chủ chốt là đầu tư công, ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng đến bây giờ, có thể nói các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa tái cấu trúc được gì cả.

Theo tôi, vấn đề đặt ra hiện nay là, không cần phải đưa ra thêm giải pháp nào nữa, mà hãy thực hiện ngay, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã có, đặc biệt là Nghị quyết 02/NQ-CP và Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế.

Như vậy mới vực được niềm tin của doanh nghiệp, doanh nghiệp mới dám bỏ vốn, vay vốn ra để đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư