Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam
Tú Ân - 08/04/2017 10:37
 
Tại Diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" tổ chức chiều 7/4, các chuyên gia Kinh tế, CEO các doanh nghiệp lớn đã cùng bàn về bản chất, xu hướng, cơ hội và cả thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh nêu khái niệm về cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là "cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kỹ thuật nhưng chu kỳ sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay"

Theo ông Doanh, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, con người sẽ có những chiếc áo, kính kết nối Internet. Những người tiếp đón bệnh nhân ở bệnh viên, hay đón người ở toà án không còn là người thật mà là robot…

"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ hội chưa từng thấy cho kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi nhiều chính sách để thành công”, ông Doanh nói.

Diễn
Diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất"  tổ chức chiều 7/4.

Phân tích về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp  đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi. Tiếp theo cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới. Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, chúng ta có máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ.

Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể  có trí tuệ toàn cầu,  lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác.

“Tôi cho rằng, đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác.Với cuộc cách mạng này, không chỉ máy móc mà tất cả các sự vật thế giới xung quanh chúng ta đều trở nên có nhân tính, đều có tính toán, tối ưu.Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ xảy ra.Theo tôi, rất khó để ước lượng quy mô, tầm cỡ của cuộc cách mạng này sẽ biến đổi đến mức độ nào”, ông Trương Gia Bình nhận xét.

Nói về lợi thế của Việt Nam, ông Bình cho rằng, lúc này khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Thứ hai, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam. Thứ ba là cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Còn GS. Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam thì đánh giá rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Điều đặc biệt so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó thì nó có khác biệt rất lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động. Nó phát triển với cấp độ số nhân, nó đang làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị.
Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty đang gặp phải, dù họ hoạt động trong ngành nào đi chăng nữa. Điều này đặc biệt đúng với những công ty đã thành lập lâu năm, vì họ phải kết hợp các nội dung sáng tạo đổi mới với các nền tảng đang tồn tại để tạo ra lợi nhuận”.

"Với cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp lục len lỏi vào từng gia đình. Các thiết bị nhỏ nhất trong mỗi nhà cũng dần dần được kết nối Internet, thực hiện nhiều việc giúp đời sống mỗi người thuận tiện hơn", ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dự báo.

Nhận định về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được.

“Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam. Thứ nữa, nếu mình nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn thì Việt Nam cực kỳ lợi thế. Vì chúng ta, doanh nghiệp lớn gần như là không có, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thì đó là lợi thế của Việt Nam”, ông Hùng nhận xét.

“Phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0, “để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 ngày 3/4/2017.
Tái cơ cấu ngành Công Thương để tạo ra thế mạnh trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Công Thương tái cơ cấu mạnh mẽ hơn để tạo ra một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc Cách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư