Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Cuộc cách mạng kinh doanh nhìn từ Bộ Công thương
Bảo Duy - 26/09/2017 10:10
 
Quyết định cắt giảm 675 trong hơn 1.220 điều kiện kinh doanh chỉ trong thời gian ngắn rà soát của Bộ Công thương đã gây sốc giới chuyên gia kinh tế, giới kinh doanh và truyền thông suốt tuần qua, dẫn đến hai luồng ý kiến khác khác nhau.
.
Sự thay đổi về tư duy của từng bộ phận trong nền kinh tế sẽ chấm dứt mối lo về khả năng tái sinh của những điều kiện kinh doanh sau mỗi quyết định cắt bỏ

Phía ủng hộ đang kỳ vọng lớn vào bước đột phá của môi trường chính sách từ quyết định mang tính lịch sử không chỉ trong ngành công thương. Niềm tin được hậu thuẫn khi ngay lập tức Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương Bộ Công thương vì đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện yêu cầu cải cách điều kiện kinh doanh. Chính Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng tái khẳng định, quyết định này không phải là phiêu lưu chính trị, phiêu lưu về công tác chuyên môn.

Phía nghi ngờ thì đặt câu hỏi vào tính khả thi, khi rất nhiều điều kiện kinh doanh trong các ngành được liệt kê trong Quyết định 3610a/QĐ-BCT đã được kiến nghị bãi bỏ từ rất lâu, với rất nhiều lập luận, từ cơ sở pháp lý đến thực tiễn… nhưng không có kết quả.

Chưa kể, các phương án mà Bộ Công thương đưa ra không dành riêng cho bộ này, mà cần sự thay đổi về tư duy quản lý nhà nước trong cả hệ thống.

Dù thế nào cũng phải khẳng định rằng, nếu Bộ Công thương thành công trong thực hiện quyết định này, cũng có nghĩa là Chính phủ sẽ thành công trong cam kết tháo gỡ mọi rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp. Bởi, khi Bộ Công thương làm được việc này, thì không có lý do gì, các bộ khác không làm được.

Khi đó, thành quả chính sách có ý nghĩa lớn nhất trong 20 năm qua liên quan đến môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được thiết lập, mở màn cuộc cách mạng lần thứ hai trong môi trường kinh doanh.

Gần 20 năm trước, Luật Doanh nghiệp được ghi nhận tạo ra cuộc cách mạng về kinh doanh của người Việt, mở rộng cửa cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam bước chân vào nền kinh tế. Hiện tại, thành công trong cuộc chiến cắt bỏ và kiềm tỏa được ma trận điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp, các thủ tục … hành doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “thổi lửa” ngay từ ngày đầu nhậm chức sẽ trao trả cho khu vực tư nhân một thị trường vận hành đầy đủ, cạnh tranh với sự hậu thuẫn của Chính phủ kiến tạo vì doanh nghiệp.

Điều quan trọng là trong quá trình này, tư duy về nhà nước và thị trường sẽ được làm rõ, sẽ buộc phải thay đổi theo hướng tiệm cận tới thông lệ quốc tế, cụ thể là chuẩn mực của các nước thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển mà Chính phủ đã chọn để hướng tới. Nhờ đó, một hệ thống quy định hành chính đồng bộ, toàn diện, theo đúng chuẩn mực chung sẽ hình thành, thúc đẩy cơ chế hậu kiểm thay cho tiền kiểm, tháo bỏ tư duy kiểm soát, kìm nén doanh nghiệp, chuyển sang tư duy hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Tư duy kinh doanh của doanh nghiệp nhờ đó sẽ chuyển theo hướng tuân thủ có trách nhiệm thay vì đối phó...

Sự thay đổi về tư duy của từng bộ phận trong nền kinh tế sẽ chấm dứt mối lo về khả năng tái sinh của những điều kiện kinh doanh sau mỗi quyết định cắt bỏ, như đã xảy ra vào những năm 2001-2003, thời điểm khời đầu của chuộc chiến với giấy phép con.

Hơn thế, nền móng chinh sách này sẽ xác lập một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiệm cận, đạt chuẩn thế giới.

Tất nhiên, mọi kế hoạch vẫn đang ở điểm khởi đầu với rất nhiều chông gai phía trước. Nhưng quyết định cắt bỏ điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương đã được công bố, như viên đạn đã ra khỏi nòng, không thể vì bất cứ lý do gì không được thực hiện.

Giới kinh doanh chắc chắn không rời mắt khỏi cam kết này và theo dõi cả những động thái từ các bộ, ngành khác trong việc thực thi yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ rào cản kinh doanh cho doanh nghiệp.

Sau cắt bỏ, điều kiện kinh doanh cần cơ chế tránh “tái sinh”
Ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia chính sách công độc lập cho rằng, nếu không tiến hành đồng bộ những cải cách thể chế về hệ thống giấy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư