Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Cuộc chiến khốc liệt giành đơn hàng chuyển phát
Tú Ân - 13/07/2023 08:19
 
Các doanh nghiệp chuyển phát trong nước có nguy cơ bị cạnh tranh giá không bình đẳng, mất vai trò dẫn dắt thị trường khi chưa có cơ chế phòng vệ thương mại đối với nhóm ngành này.
Các doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam đang lao vào cuộc đua chưa có điểm dừng về giá.

Số lượng vận đơn tăng, doanh nghiệp đua giảm giá

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022  nhưng chỉ đạt 43,78% kế hoạch năm 2023. Trong khi đó, tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 1.098 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,74% kế hoạch năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2023, “cánh chim đầu đàn” của ngành bưu chính là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) ước đạt doanh thu 6.977 tỷ đồng, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2022. Còn “anh cả” ngành là Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) mới chỉ công bố báo cáo tài chính quý I/2023, với doanh thu đạt 4.772 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ - là mức doanh thu thấp nhất kể từ quý II/2020 đến nay.

Theo Viettel Post, các tập đoàn thương mại điện tử, chuyển phát từ Trung Quốc (Alibaba, Tencent, J&T, ZTO, SF, Ninjavan...) đẩy mạnh cạnh tranh về giá để thâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi các công ty tại Việt Nam như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, J&T, Best… cũng chạy đua khuyến mãi, làm cho biên lợi nhuận lĩnh vực chuyển phát chỉ còn xấp xỉ 3%, hầu hết các công ty đều thua lỗ.

Theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post, cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính rất khốc liệt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới. Nhóm doanh nghiệp này không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh giành thị phần.

Ngành bưu chính chưa thực thi nghiêm các quy định của Luật Cạnh tranh đối với các doanh nghiệp để xử phạt nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, bán dưới giá thành, khuyến mại vượt quá thời gian theo quy định. “Mức độ cạnh tranh gia tăng khi các sàn thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ cũng tham gia cung ứng dịch vụ chuyển phát để tối ưu và tăng trải nghiệm cho khách hàng”, ông Sơn nhận định.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyển phát cho biết, tất cả các doanh nghiệp đang lao vào cuộc đua chưa có điểm dừng về giá, chưa có giá thấp nhất. Hiện chỉ có 2-3 doanh nghiệp hòa hoặc lãi mỏng, còn lại đều lỗ nặng, đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trong báo cáo của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ghi nhận: “Doanh nghiệp bưu chính Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp bưu chính có yếu tố nước ngoài, các doanh nghiệp công nghệ tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính, các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát của các sàn thương mại điện tử, từ đó dẫn đến nguy cơ thị trường bưu chính sẽ do các doanh nghiệp bưu chính có yếu tố nước ngoài nắm giữ”.

Phá cục diện bế tắc

Thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam đang nóng bỏng với sự đổ bộ của các đối thủ ngoại khá mạnh như J&T Express, Best Express, Kerry Express... Dù tới sau, nhưng họ nhanh chóng mở rộng thị trường bằng mô hình nhượng quyền, đầu tư gián tiếp, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, thậm chí áp dụng cước phí vận chuyển 0 đồng để giành thị phần... 

Theo Allied Market Research, thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hơn 24% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2030 và ước đạt doanh thu khoảng 114.680 tỷ đồng vào năm 2030.

Sự xuất hiện của một số công ty tầm trung như Kerry Singapore và Sagawa (Nhật Bản), các công ty chuyển phát nhanh của Hàn Quốc với lợi thế là tính chuyên tuyến châu Âu, Mỹ hoặc chuyên nghiệp ở một khu vực nhất định như châu Á hoặc Đông Nam Á, tạo ra các lợi thế cạnh tranh rất khó bắt chước.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp như Giao hàng tiết kiệm, Nhất Tin Logistics, Giao hàng nhanh... không có thế mạnh về mạng lưới, nhưng có lợi thế công nghệ và sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư, sẵn sàng chịu lỗ vài năm để giành thị phần. Do thiếu mạng lưới toàn quốc, nên họ phải hợp tác với các công ty truyền thống để thực hiện các đơn hàng liên thành phố hoặc tại khu vực nông thôn, làm cho giá các đơn hàng này cao hơn, giảm hiệu quả cạnh tranh về chi phí.

Khó càng thêm khó khi nhóm khách hàng chiếm tỷ trọng lớn của ngành chuyển phát như Lazada, Shopee, Tiki cũng tự xây dựng hệ thống vận chuyển riêng khiến các doanh nghiệp chuyển phát mất lượng đơn hàng rất lớn… Vậy nên, không lạ khi một số doanh nghiệp chuyển phát mới đây buộc phải tính đường khác, trong đó có cả doanh nghiệp rất lớn phải mở thêm ngành nghề kinh doanh khác.

Nhằm phá cục diện tương đối bế tắc trên, ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, không còn cách nào khác, Viettel Post phải tiến hành xây dựng lại hạ tầng mạng lưới cả phần cứng và phần mềm, quy trình vận hành, khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất. Thách thức lớn nhất là phải tối ưu được chi phí trên từng đơn hàng.

Được biết, Viettel Post đã hợp tác, trở thành một trong những đối tác vận chuyển lớn nhất của Tik Tok. Công ty tập trung kinh doanh các phân khúc khách hàng lớn và dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao trong bối cảnh cạnh tranh về giá; nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn có phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, VNPost vừa gấp rút thành lập Ủy ban Ứng phó với các vấn đề khẩn và quan trọng đối với các hoạt động của Tổng công ty, nhằm tìm ra các điểm “nghẽn” trên mạng lưới về các trục kinh doanh, công nghệ, cơ chế; báo cáo Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, các ban chức năng và các đơn vị trên mạng lưới tổ chức giải quyết các vấn đề.

VNPost cũng khẩn trương tối ưu hóa hệ thống công nghệ, tăng năng suất lao động; tăng khả năng khớp nối, nâng cao hiệu quả triển khai của các tuyến đường thư, nâng cao chất lượng, cải thiện các ứng dụng theo hướng tiện dụng, hiệu quả; hỗ trợ tích cực công tác quản trị, quản lý và điều hành toàn mạng lưới; tích cực tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí, xây dựng cơ chế hợp lý để phát triển dịch vụ.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính tại Việt Nam
Doanh nghiệp khi cung ứng dịch vụ bưu chính phải có giấy phép bưu chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư