Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cuộc chiến mới chặn lọc cuộc gọi rác
Hữu Tuấn - 12/07/2020 08:47
 
Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu phối hợp với các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone triển khai giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi rác.
Các nhà mạng sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để chặn tin nhắn và cuộc gọi rác. Ảnh: M.B
Các nhà mạng sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để chặn tin nhắn và cuộc gọi rác. Ảnh: M.B

Tiếp tục thanh tra diện rộng

Chỉ trong 1 tháng thử nghiệm hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác, Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ “cuộc gọi rác” từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Cuộc gọi rác, tin nhắn rác, sim rác bủa vây doanh nghiệp, khách hàng đã trở thành vấn nạn trong ngành viễn thông, gây bức xúc lớn.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ xử lý căn bản các loại “rác” viễn thông. Tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp nếu còn tiếp diễn tình trạng sim rác trên thị trường.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có công văn gửi lãnh đạo 5 nhà mạng. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, vẫn diễn ra tình trạng bán sim rác đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường, người sử dụng mua được sim kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký khai báo thông tin thuê bao.

Mới đây nhất, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi công văn tới các nhà mạng về việc thực hiện ngăn chặn “cuộc gọi rác”. Cục đã đưa ra nhiều giải pháp để phối hợp với nhà mạng triệt tiêu tình trạng phát tán cuộc gọi rác gây ảnh hưởng tới người dùng. 

5 tiêu chí xác định là “rác” do Cục Viễn thông đưa ra
1. Tần suất thực hiện cuộc gọi.
2. Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn.
3. Tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn.
4. Tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ.
5. Đặc điểm hành vi sử dụng.

Cục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông áp dụng các thuật toán dự đoán, trên hạ tầng dữ liệu lớn, lọc máy đối với tất cả các cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng, để xác định thuê bao phát tán cuộc gọi rác; kết hợp thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định hành vi phát tán cuộc gọi rác gây quấy rối người sử dụng và thực hiện biện pháp ngăn chặn hành vi này.

Ứng dụng công nghệ mới chặn rác

Từ ngày 1/7/2020, Viettel triển khai biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác. VNPT và  MobiFone sẽ áp dụng triển khai trước ngày 1/8/2020. Còn lại 6 công ty Vietnamobile, Viễn thông Đông Dương, Viễn thông Hà Nội, Hạ tầng CMC, Dịch vụ bưu chính - viễn thông Sài Gòn, Viễn thông FPT sẽ triển khai trước ngày 1/10/2020.

Theo Cục Viễn thông, trường hợp nhà mạng không thực hiện biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Tại Viettel, nhà mạng này đã triển khai thí điểm ngăn chặn cuộc gọi rác (spam thoại) trên mạng. Theo đó, Viettel thực hiện nhắn tin truyền thông cảnh báo đến 71 triệu thuê bao di động theo tần suất hàng tháng, truyền thông các nội dung cảnh báo khách hàng trên website và fanpage của Viettel Telecom.

“Chúng tôi đã xây dựng các giải pháp tổng đài để kiểm tra thuê bao chủ gọi và các công cụ để phát hiện và chặn lọc các cuộc gọi quốc tế giả mạo, lừa đảo. Sau một tuần, đã thực hiện chặn lọc được hàng trăm ngàn cuộc gọi từ quốc tế về có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo”, đại diện Viettel cho biết.

Cũng từ 1/7, MobiFone bắt đầu đưa vào hoạt động hệ thống phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi rác.

“MobiFone đã xây dựng một hệ thống kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất như Big Data, AI, Machine Learning để phân tích các thuê bao có hành vi bất thường về cuộc gọi, dự đoán là cuộc gọi rác, nhằm phân tích xác định tập thuê bao nghi ngờ. Hệ thống này cũng sẽ thực hiện lấy ý kiến phản hồi từ phía khách hàng MobiFone để tiến hành xác định các thuê bao là cuộc gọi rác, đưa ra các ngưỡng phù hợp để thực hiện chặn các thuê bao phát tán cuộc gọi rác”, đại diện MobiFone nói.

Còn Vinaphone hiện đã xây dựng và đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép thử nghiệm giải pháp phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi rác. 

“Chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật có thể giúp xác định chính xác tập thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác thông qua ứng dụng AI, phân tích cước và kết hợp  phản ánh của khách hàng. Đồng thời, thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng bị gọi để khẳng định thuê bao có phát tán cuộc gọi rác hay không. Về mặt công nghệ, chúng tôi đã sẵn sàng triển khai các giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn cuộc gọi rác”, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường (VinaPhone) cho biết.

Cần hành lang pháp lý và chế tài mạnh

Theo ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, để ngăn chặn triệt để rác viễn thông cần hành lang pháp lý và chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện Dự thảo nghị định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và cuộc gọi, được kỳ vọng sẽ “tổng tấn công” các cuộc gọi, tin nhắn rác.

Đại diện MobiFone bày tỏ mong muốn nghị định sớm được ban hành. Đây sẽ là căn cứ pháp lý, với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng về xử lý cuộc gọi rác. Nhờ đó, sự phối hợp giữa các nhà mạng để chặn cuộc gọi rác liên mạng, cũng như phối hợp giải quyết khiếu nại của khách hàng sẽ hiệu quả và triệt để hơn.

Đại diện VinaPhone thì góp ý, Nghị định cần có định nghĩa cụ thể, cũng như chế tài xử lý nghiêm các vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Chẳng hạn, xử lý thế nào với các khách hàng là chủ thuê bao phát tán cuộc gọi rác, có mở trở lại cho các thuê bao có cam kết không phát tán cuộc gọi rác, hoặc xử phạt ra sao các thuê bao tái phạm.

Còn theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, bên cạnh chế tài với khách hàng, cũng cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà mạng và chế tài xử phạt. Lý do là, vấn nạn rác viễn thông tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xử lý triệt để do liên quan đến doanh thu, lợi nhuận của nhà mạng. Vì thế, cần quy định rõ quyền của người dân trong trường hợp bị tấn công làm phiền quá nhiều bằng sim rác, cuộc gọi rác, như khởi kiện hoặc được đền bù thiệt hại. Chỉ khi đó, những đối tượng phát tán mới sợ và nhà mạng mới quyết tâm mạnh tay xử lý vấn nạn này.

Tuyên chiến với sim rác
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa nhắc nhở lãnh đạo các nhà mạng và yêu cầu có biện pháp cứng rắn ngăn chặn sim rác.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư