Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Cuộc chiến vương quyền” trong lĩnh vực truyền hình trả tiền
Hữu Tuấn - 10/11/2019 09:17
 
Cuộc cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam vốn đã dữ dội sẽ càng khốc liệt hơn khi các đại gia của thế giới như Disney, Apple, HBO đồng loạt gia nhập cuộc chơi…
Sự hiện diện của Disney, Apple, Amazon, HBO... sẽ là thách thức lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Việt Nam.
Sự hiện diện của Disney, Apple, Amazon, HBO... sẽ là thách thức lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Việt Nam.

Ông lớn đồng loạt nhập cuộc

Không lâu nữa, Disney sẽ tái ngộ khán giả Việt Nam sau thời gian gián đoạn khi VTVcab, NetTV đồng loạt cắt các gói kênh quốc tế, trong đó có các kênh của Disney vào tháng 4/2018. Ngày 12/11 tới, Disney sẽ “trình làng” dịch vụ truyền hình Internet trực tuyến riêng tại Mỹ, Canada và Hà Lan, trước khi triển khai dịch vụ này trên toàn cầu vào đầu năm 2020, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, đầu tháng 11/2019, Tập đoàn công nghệ Apple bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình Internet Apple TV+ ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Apple đang đầu tư mạnh mẽ vào các nội dung mới có chất lượng cao, thậm chí đã lập một hãng phim riêng để sản xuất những chương trình truyền hình, các bộ phim nhằm giảm phụ thuộc vào những đối tác hãng phim bên ngoài.

Một đại gia khác là Amazon đang hoàn thành việc phóng hàng ngàn vệ tinh có kích thước nhỏ gọn phục vụ kế hoạch phát triển vệ tinh Internet. Amazon cũng đang đầu tư lớn vào dịch vụ truyền hình Internet cung cấp trên toàn thế giới. 

Trong khi Apple, Disnay hay Amazon chuẩn bị “đổ bộ” vào thị trường truyền hình trả tiền quy mô sẽ lên tới 100 triệu dân của Việt Nam, thì HBO đã nhanh chân hơn một bước. Ngày 10/7, dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO ra mắt thị trường Việt Nam trên ứng dụng FPT Play. Dịch vụ này cho phép thuê bao xem không giới hạn thư viện nội dung khổng lồ của HBO mọi lúc, mọi nơi.

Cũng trong tháng 7/2019, ứng dụng truyền hình trực tuyến iQIYI (Baidu - Trung Quốc) và WeTV (Tencent - Trung Quốc) đã âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam qua app trên Google Play hoặc iOS. Theo đó, các bộ phim phát trên 2 ứng dụng này đều có phụ đề tiếng Việt và người dùng có thể đăng ký tài khoản, trả tiền thuê bao hàng tháng bằng tiền Việt Nam.

“Cuộc chiến bên bờ Đại Tây Dương” sẽ nhanh chóng lan đến thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Cùng với sự hiện diện của Disney, Apple, Amazon, HBO hay iQIYI, WeTV, với lợi thế sau lưng là các hãng công nghệ khổng lồ, tài chính dồi dào, đây sẽ thực sự là một “cuộc chiến vương quyền” mới trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Thị trường dậy sóng

Theo báo cáo của Statisca, năm 2018, hơn 54% dân số của Việt Nam thường xuyên truy cập Internet. Con số này được dự đoán sẽ tăng 38% vào năm 2023, người dân dành 6-7 giờ mỗi ngày để sử dụng các dịch vụ Internet. Doanh thu của nhóm VoD (Video on Demand) năm 2018 là 75 triệu USD và được dự đoán tăng lên 119 triệu USD vào năm 2023... 

Những con số trên cho thấy, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền và là thách thức lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam. “Chắc chắc, thị trường truyền hình OTT ở Việt Nam sẽ là cuộc đấu của các OTT xuyên biên giới”, ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV đánh giá.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Trưởng nhóm Phát triển giải pháp dịch vụ truyền hình VTVcab ON, ngoài việc không thực hiện nghĩa vụ thuế khi cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam, các ứng dụng xem phim trực tuyến còn “nằm ngoài” kiểm soát về nội dung theo quy định của Việt Nam. Nội dung ở đây bao gồm cả nội dung phim và nội dung phụ đề biên dịch sang tiếng Việt.

Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media đề nghị, Nhà nước cần có các công cụ quản lý tốt hơn dịch vụ OTT chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, mạnh tay xử lý các trang cung cấp nội dung vi phạm bản quyền. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài mạnh với những vi phạm bản quyền, đặc biệt là nhóm dịch vụ chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam như các trang phim lậu, không có đăng ký kinh doanh, không có hệ thống server đặt tại Việt Nam.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, trong đó có bổ sung các chính sách quản lý đối với dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp trên Internet. Mục tiêu là các dịch vụ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về nội dung, thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, phí, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà cung cấp OTT và truyền hình truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Thị trường tiềm năng

Việt Nam hiện có 297 kênh truyền hình trong nước, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp dưới dạng dịch vụ truyền hình trả tiền. Ban đầu, hầu hết những người sử dụng dịch vụ truyền hình OTT xem video qua các màn hình nhỏ như điện thoại, máy tính bảng, nhưng ngày nay, đã có nhiều người (khoảng 17%) sử dụng TV gia đình để truy cập các nội dung OTT.

Truyền hình trả tiền: Chập chờn
TVCab, NextTV (Viettel) và sắp tới là SCTV, K+ dự tính cắt gói kênh truyền hình nước ngoài, thay bằng những kênh khác giá rẻ hơn. Điều này vấp phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư