Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Cuộc chơi mới của Gỗ Trường Thành
Anh Hoa - 18/05/2021 14:33
 
Thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, nhưng Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) bền bỉ với tham vọng đạt giá trị tỷ USD, lọt top những tên tuổi nội thất hàng đầu ASEAN.
Gỗ Trường Thành đang tham gia vào phân khúc đồ gỗ phong cách Italia cao cấp 	ảnh: lê toàn
Gỗ Trường Thành đang tham gia vào phân khúc đồ gỗ phong cách Italia cao cấp ảnh: lê toàn

Kế hoạch thoát lỗ

Tính đến cuối năm 2020, Gỗ Trường Thành lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng. Thậm chí khả năng hoạt động liên tục của Công ty tiếp tục bị nghi ngờ khi quý I/2021 vẫn tiếp tục lỗ ròng 40 tỷ đồng.

Mục tiêu của Gỗ Trường Thành muốn “phủ sóng” sản phẩm nội thất cao cấp cho các công trình bất động sản trong nước. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu đang dần tạo vị thế vững chắc hơn cho Gỗ Trường Thành.

Việc tiếp tục thua lỗ khiến Gỗ Trường Thành tăng lỗ luỹ kế tính đến thời điểm 31/3/2021 lên 3.084 tỷ đồng, tương đương 99,1% vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu Công ty hiện đang âm 624 tỷ đồng.

Một trong những khó khăn lớn của Công ty thời gian qua là khó tiếp cận dòng vốn huy động ngân hàng, vì khoản nợ quá hạn hơn 123 tỷ đồng tại DongABank.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, Gỗ Trường Thành lên kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phần mới, giá trị thu về 1.000 tỷ đồng với khoảng 405 tỷ đồng hoán đổi nợ với chủ nợ Bùi Hồng Minh, 160 tỷ đồng tất toán nợ quá hạn tại DongABank. Số tiền Công ty thu về để đầu tư vào khoảng 435 tỷ đồng.

Với mức giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần, trong khi thị giá hiện dao động từ 6.800 - 8.000 đồng/cổ phần, thì chiêu thức Gỗ Trường Thành hấp dẫn nhà đầu tư nằm ở mức chi trả cổ tức 12%/năm. Cá nhân ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Gỗ Trường Thành đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng trước khi chào bán, ông kỳ vọng các cổ đông cũng ủng hộ kế hoạch này.

Khi thoát được nợ xấu thì cuộc chơi với Gỗ Trường Thành sẽ hoàn toàn khác. Đúng 4 năm, ông Tín đầu tư vào Gỗ Trường Thành, với quan điểm có thể thắng hay bại, nhưng không được nản. 

Theo ông Tín, việc huy động vốn đợt này một phần là để có nguồn cho thương vụ đầu tư mua 20% cổ phần Công ty Natuzzi Singapore Pte.ltd có trụ sở tại Singapore.

Công ty này thuộc Natuzzi S.p.A., được thành lập năm 1959 và cũng là công ty nội thất lớn nhất của Italia, cũng như giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp đồ nội thất trên toàn cầu. Theo thỏa thuận, Natuzzi dự kiến ​​duy trì đa số thành viên Hội đồng Quản trị của Natuzzi Singapore.

Mặc dù khẳng định việc đầu tư vào một thương hiệu toàn cầu như Natuzzi để tăng giá trị cho hàng sản xuất tại Việt Nam, nhưng thương vụ này cũng nằm trong tham vọng của ông Tín trong vòng 10 năm tới đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN về công nghệ, doanh thu và hiệu quả. Thậm chí, sau khi xóa được nợ xấu, ông Tín kỳ vọng, Gỗ Trường Thành sẽ bước sang cuộc chơi mới, ở đó mục tiêu đạt giá trị 1 tỷ USD là con số thấp nhất.

Riêng năm 2021, Gỗ Trường Thành đặt ra kế hoạch doanh thu tăng 67%, lên 2.025 tỷ đồng; lãi trước thuế 59 tỷ đồng, gấp 3,2 lần thực hiện năm 2020.

Trong khi đó, đối với Natuzzi, thương vụ với Gỗ Trường Thành giúp tên tuổi này đạt được mục tiêu mở rộng kinh doanh bên ngoài Trung Quốc, nhắm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Công ty con Natuzzi Singapore được Natuzzi thành lập cách đây 1 năm để quản lý việc bán hàng và phân phối các sản phẩm nội thất và bọc nệm mang thương hiệu của Natuzzi Group bên ngoài Trung Quốc.

Năm 2018, nhà sản xuất Kuka của Trung Quốc đã mua lại phần lớn 51% cổ phần trong liên doanh với Natuzzi nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ của thương hiệu này tại Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.

Trong đó, Natuzzi SpA kiểm soát 93%, và 7% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Richard Tan, người đứng đầu các hoạt động công nghiệp của Natuzzi tại châu Á, đây cũng là cổ đông của một trong những công ty con của Tập đoàn Natuzzi tại Trung Quốc.

Hiện thoả thuận về thương vụ này đang được các bên gấp rút thực hiện, bởi nếu không đạt được trước ngày 31/5, thỏa thuận sơ bộ trước đó sẽ vô hiệu.

Tìm lối thoát vào nội thất phong cách Italia

Việc Gỗ Trường Thành tìm đến Natuzzi hẳn có căn nguyên trước đó.

Cuối năm 2019, Gỗ Trường Thành đánh dấu bước chuyển mình sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, khi cho ra mắt thương hiệu nội thất Casadora. Đây là liên doanh với 60% vốn của Gỗ Trường Thành và các nhà thiết kế từ Milan (Italia). Sản phẩm của Casadora lấy cảm hứng từ những công trình kiến trúc cổ điển phương Tây.

Sự kết hợp của các nhà thiết kế này với các nghệ nhân của Việt Nam giúp Gỗ Trường Thành đưa ra thị trường những sản phẩm được chế tác thủ công khéo léo, mang nét đẹp cổ điển.

Lô hàng xuất khẩu đầu tiên của Casadora thời điểm đó được sản xuất riêng cho một gia đình giàu có ở Dubai và có giá trị lên đến gần 100.000 USD, cao hơn nhiều so với giá trị của đồ gỗ nội thất thông thường mà các nhà máy Việt Nam triển khai.

Với thương hiệu Casadora, Gỗ Trường Thành sẽ tham gia vào phân khúc đồ gỗ phong cách Italia cao cấp, phục vụ cho giới thượng lưu đang ngày càng mở rộng tại Việt Nam, bên cạnh thị trường xuất khẩu.

Mục tiêu của Gỗ Trường Thành muốn “phủ sóng” sản phẩm nội thất cao cấp cho các công trình bất động sản trong nước. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu đang dần tạo vị thế vững chắc hơn cho Gỗ Trường Thành. Năm 2020, Gỗ Trường Thành bắt đầu đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga.

Ngoài Natuzzi, như chia sẻ của ông Tín tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa rồi, Gỗ Trường Thành còn đang đeo đuổi việc đầu tư vào ít nhất 2 thương hiệu nội thất toàn cầu khác. Đây là một cách làm mạnh mẽ mà nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã làm trong nhiều năm gần đây, cũng tương tự như việc hãng xe Tata của Ấn Độ sở hữu thương hiệu Range Rover. Chúng ta hãy chờ xem Gỗ Trường Thành và ông Tín triển khai cuộc chơi này ra sao.

Gỗ Trường Thành thấp thỏm với các khoản phải thu và hàng tồn
Giá trị các khoản phải thu khó đòi của Gỗ Trường Thành đang cao hơn cả giá trị còn lại của các khoản phải thu. Ngoài ra, số liệu hàng tồn kho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư