Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cuộc “đại di dời” dân ven kênh rạch TP.HCM vỡ trận, vì đâu? - Bài 1: 20 năm khởi động trong… quyết tâm
Ngô Nguyên - 11/08/2022 08:31
 
Sau 20 năm kể từ khi được phê duyệt (năm 2002), vốn đã đội từ 123 tỷ đồng lên hơn 9.300 tỷ đồng, Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn chỉ khởi động trong… quyết tâm của TP.HCM.

Năm lần, bảy lượt lên kế hoạch, đưa vào nghị quyết và hô “quyết tâm”, nhưng cuộc “đại di dời” hơn 21.000 hộ dân của hơn 21.000 căn nhà ven kênh rạch của TP.HCM chỉ mới đạt 12,4%. Đa số chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách. Quá nhiều vướng víu về vốn cùng hành lang pháp lý, hành chính đã dẫn tới tình cảnh trên.

Hàng ngàn hộ dân trong căn nhà nhếch nhác ven rạch Xuyên Tâm khắc khoải chờ ngày thay đổi. Ảnh: Trọng Tín

Bài 1: 20 năm khởi động trong… quyết tâm

Là dự án trọng điểm về di dời nhà ở ven và trên kênh rạch, cải thiện cuộc sống của hơn 2.000 hộ dân, sau 20 năm kể từ khi được phê duyệt (năm 2002), vốn đã đội từ 123 tỷ đồng lên hơn 9.300 tỷ đồng, Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm vẫn chỉ khởi động trong… quyết tâm của TP.HCM.

Lại lần nữa… quyết tâm

Mới đây, tại phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, bảy tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi đã dành thời gian để phân tích, nhấn mạnh về đề xuất cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, điểm đặc biệt của dự án này là kết hợp cải tạo vệ sinh môi trường gắn với chỉnh trang đô thị, xây dựng giao thông, công viên, đồng thời gắn với chương trình di dời nhà trên kênh rạch, ổn định nhà ở cho dân cư đô thị, nhất là dân cư nghèo. “Cần có cơ chế chính sách rất đặc biệt. Nếu có mô hình phù hợp, sẽ giải quyết được 2.000 nhà ở trên kênh rạch khác, xem đây là nỗ lực phấn đấu của TP.HCM để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước”, ông Mãi nói.

Rạch Xuyên Tâm là hệ thống gồm các rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Tuyến rạch chính bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hệ thống rạch này đang tải nước thải của 40% người dân quận Bình Thạnh, với lượng nước thải khoảng 40.000 m3/ngày chưa qua xử lý.

Trước đó, giữa tháng 6/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương thành lập Tổ Công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm do Sở Xây dựng làm Tổ trưởng cùng các thành viên gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, UBND các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và đơn vị khác có liên quan do Sở Xây dựng đề xuất.

Lần này, UBND TP.HCM cũng thể hiện quyết tâm khi giao nhiệm vụ và thời gian hoàn thành chi tiết cho từng cơ quan liên quan. Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu, trình UBND Thành phố về việc giao Sở Xây dựng thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, hoàn thành trong tháng 6/2022, để triển khai ngay công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, làm việc với các đơn vị liên quan và các chuyên gia nghiên cứu đề xuất phương thức đầu tư khả thi, nguồn vốn (có thể từ ngân sách trung ương, TP.HCM, phát hành trái phiếu công trình...) để sớm triển khai Dự án.

Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ tái định cư cho người dân có nhà ở trên và ven kênh rạch; tham mưu, trình UBND TP.HCM trước tháng 9/2022, trên cơ sở phải tạo được sự đồng thuận cao của người dân.

 Một hộ dân sống khổ sở trong ô nhiễm ở ven rạch Xuyên Tâm. Ảnh: T. Tín

Đã quyết liệt suốt 20 năm

Sự quyết tâm của UBND TP.HCM thực ra không phải mới, mà từ… 20 năm trước và kéo dài ở nhiều nhiệm kỳ và thế hệ lãnh đạo. Cụ thể, từ năm 2002, UBND TP.HCM đã phê duyệt Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm, gồm cải tạo môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch, với số vốn 123 tỷ đồng, nhưng Dự án mới chỉ dừng ở việc nạo vét một số đoạn kênh.

Sau đó, UBND TP.HCM giao Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu, nhưng nhà đầu tư này đã xin rút lui. Năm 2011, Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm đề xuất làm Dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy công trình), với tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, việc cải tạo rạch Xuyên Tâm được chia thành 3 giai đoạn gồm các hạng mục: giải tỏa nhà lấn chiếm ven kênh, nạo vét toàn tuyến, xây dựng bờ kè dọc tuyến, đường giao thông hai bên kênh và thực hiện di dân...

Bốn năm sau (năm 2015), Công ty cổ phần Hà Nội Ngàn Năm tiếp tục có đề xuất xin được đầu tư Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm, với tổng vốn đầu tư 5.106 tỷ đồng, hoàn vốn bằng cách khai thác quỹ đất (giải tỏa rộng ra 2 bên, khai thác quỹ đất) trong khu vực Dự án mà không cần hỗ trợ từ ngân sách.

Trong khi đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị được hỗ trợ đến 70% (khoảng 3.500 tỷ đồng) tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án, với điều kiện có ít nhất một nhà đầu tư Nhật Bản được tham gia.

Tới năm 2017, Thành ủy TP.HCM lập đoàn công tác sang Nhật Bản và đã gặp nhóm nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm, gồm Daiwa Houssing, Mitsubishi, Fujita Engineering, Oriental Consulting Group… Tại buổi gặp, ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM (ngày 7/5/2017, ông Thăng mới bị kỷ luật thôi chức) cam kết giải phóng mặt bằng không quá 18 tháng, quyết tâm khởi động Dự án trong năm 2017 và hoàn thành trước năm 2020. Nhưng mọi sự vẫn… y như cũ.

Tới tháng 6/ 2020, UBND TP.HCM chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.

Sang tháng 4/2021, đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (hiện là Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương và đã bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với sai phạm khi giữ cương vị Chủ tịch UBND Thành phố) đi khảo sát Dự án.

Tại buổi khảo sát, ông Phong nói, TP.HCM sẽ sớm làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, đồng thời kêu gọi đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, tính toán việc tái định cư cho các hộ dân, bảo đảm đời sống nhân dân.

Kết cục đến giờ này, với chỉ đạo của lãnh đạo mới TP.HCM hồi đầu tháng 8/2022, thì Dự án vẫn dừng ở… quyết tâm, quyết liệt sau… 20 năm.

Trong khi đó, chính quyền quận liên quan đến Dự án đã chuẩn bị sẵn nhà… chờ dân mà không thấy. Cụ thể, từ năm 2017, Dự án đã được UBND quận Bình Thạnh đưa vào kế hoạch sử dụng đất của quận. Năm 2021, UBND quận này có báo cáo UBND TP.HCM, cũng đã chuẩn bị quỹ nhà tái định cư để bố trí cho các hộ dân thuộc phạm vi giải tỏa của Dự án tại 2 khu chung cư.

Đội vốn khủng

Như đã nêu trên, Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TP.HCM phê duyệt lần đầu vào năm 2002, với kinh phí 123 tỷ đồng. Đến năm 2016, UBND TP.HCM tái phê duyệt Dự án với nguồn vốn khoảng 5.100 tỷ đồng. Năm 2017, tổng mức đầu tư Dự án tiếp tục tăng lên 8.600 tỷ đồng. Tới năm 2021, Dự án lại vọt lên khoảng 9.300 tỷ đồng vốn đầu tư, với dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tại sao vốn đã đội khủng, nhưng suốt thời gian dài, dù nhiều nhà đầu tư đã đề xuất thực hiện, mà Dự án vẫn bị “stop”?. Tư liệu mà chúng tôi có được thể hiện, dù đề xuất, nhưng sau đó nhiều nhà đầu tư đã âm thầm rút lui, bởi TP.HCM không đáp ứng được yêu cầu phải có nguồn thu và xin điều chỉnh quy hoạch.

“Cực chẳng đã”, UBND TP.HCM đã chuyển hình thức đầu tư dự án này sang hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, từ năm 2020, Luật Đầu tư công không còn hình thức đầu tư BT, nên TP.HCM phải chuyển sang hình thức đầu tư công. Oái oăm là ở hình thức đầu tư công, nguồn vốn đầu tư trung hạn của Thành phố không đủ để bố trí cho dự án này, khi đã đội lên khoảng 9.300 tỷ đồng.

Tới nay, việc TP.HCM thành lập Tổ Công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện Dự án cho thấy, sẽ còn những phát sinh, điều chỉnh mới. Và số vốn đã đội lên khoảng 9.300 tỷ đồng liệu có dừng lại? Nếu tổng vốn của Dự án vượt quá 10.000 tỷ đồng, thì sẽ vượt thẩm quyền của Thành phố, quyết định chủ trương đầu tư phải thông qua Quốc hội.

Như vậy, bao giờ cho đến bao giờ, hàng ngàn hộ dân đang sống trong ô nhiễm trên và ven rạch Xuyên Tâm mới thoát nỗi khốn khổ?

Với tổng mức đầu tư là 9.353 tỷ đồng (trong đó phần bồi thường cho 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp hơn 5.300 tỷ đồng, vốn xây lắp 4.492 tỷ đồng), Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ cải tạo, kè bảo vệ bờ, xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 đến 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bê tông. Đồng thời, xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của Thành phố và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703 ha.

(Còn tiếp)

TP.HCM “đánh rơi” hàng tỷ USD ở khu công nghiệp, khu chế xuất - Bài 1: Trao cả thị trường y dược khổng lồ cho… nước ngoài
TP.HCM từng phê duyệt đầu tư một dự án khu công nghiệp y dược, song phải xóa sổ vì chủ đầu tư không triển khai trong nhiều năm. TP.HCM đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư