Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cuộc đua thương mại điện tử tiếp tục gay cấn
Tú Ân - 02/03/2024 08:27
 
Cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 không chỉ là cuộc so kè “đốt tiền”, mà còn là cuộc đấu trí, đấu lực về công nghệ, sáng tạo và chiến lược.
Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Ảnh: Lê Toàn

Tăng trưởng mạnh

Theo Bộ Công thương, năm 2023, thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế số của Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tương đương 25% so với năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy, trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, đã có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công, tăng 52,3% so với năm trước - là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong tổng số 400 sàn thương mại điện tử đăng ký tại Việt Nam, tổng doanh thu 5 sàn này đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022.

Năm 2023, thị trường cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của TikTok Shop trước các đối thủ. Trong khi đó, một số sàn như Lazada, Tiki, Sendo có vẻ như hụt hơi. Đáng chú ý là, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường, cho thấy thương mại điện tử ngày càng có tính cạnh tranh khắc nghiệt.

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2024, doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh. “Vânđược giới trẻ, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn là phương thức mua sắm hiện đại và tiện lợi, thương mại điện tử dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng 18 - 20%/năm”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhận định.

Trong khi đó, Metric cho rằng, năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra trên 5 sàn thương mại điện tử nêu trên tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng vào năm 2024, tăng 35% so với năm 2023. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.

Theo Metric, mua bán xuyên biên giới sẽ là xu hướng tất yếu của thị trường, các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Các sàn bán lẻ trực tuyến cũng đưa ra nhiều chính sách kích cầu mua sắm với hình thức mua trước trả sau.

Livestream và bán hàng đa kênh tiếp tục là trọng tâm nâng cao doanh thu cho các nhà bán hàng trong năm 2024. Combo sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả phải chăng, giúp họ tiết kiệm chi tiêu.

Tiếp tục cuộc chiến khốc liệt

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc TikTok Việt Nam cho biết, năm 2024, TikTok sẽ mở rộng thời lượng clip, phấn đấu doanh thu bán hàng trên nền tảng TikTok Shop đạt con số 200.000 đồng.

Còn ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee tin rằng, thương mại điện tử ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để tiếp tục phát triển bùng nổ. Số lượng người tiêu dùng số chắc chắn sẽ tăng mạnh trong bối cảnh hạ tầng công nghệ cùng dịch vụ số phủ sóng mạnh mẽ ở cả khu vực đô thị và ngoài đô thị.

Đặc biệt, sự phát triển của các cổng thanh toán online, logistics, nguồn nhân lực, thói quen tiêu dùng cùng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số sẽ chắp cánh cho thương mại điện tử và mở rộng quy mô của ngành bán lẻ tại Việt Nam.

“Năm 2024 tiếp tục là năm phát triển sôi động của lĩnh vực thương mại điện tử. Ở nhóm sàn thương mại điện tử, Shopee và TikTok Shop có lẽ sẽ là hai cái tên tiếp tục song hành cùng nhau ở top đầu, bỏ lại phía sau Lazada, Tiki và các sàn nhỏ khác”, ông Nguyễn Thế Chiêu, Giám đốc vận hành hệ thống thương mại điện tử Công ty cổ phần Coolmom nhận xét.

Xu hướng nổi bật và tiếp tục phổ biến trên thị trường thương mại điện tử là DTC (trực tiếp đến người tiêu dùng). Theo đó, thay vì sử dụng các nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng trên các sàn, giúp giảm chi phi, tăng lợi nhuận, tiết kiệm chi phí 35-40%. Việc các nhà sản xuất mở rộng thị trường kinh doanh sang nền tảng thương mại điện tử dự báo cuộc chiến về giá sẽ khốc liệt trong năm 2024.

Đồng thời, việc ứng dụng các công nghệ mới như Big Data, AI, Machine tạo nên những trải nghiệm tinh tế, chính xác và an toàn hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn, rút ngắn thời gian nhận hàng. Đây cũng là điểm cộng để các sàn có tiềm lực gia tăng khoảng cách với các sàn còn lại.

“Nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng sẽ là một trong những một tiêu chính yếu của doanh nghiệp, nhà kinh doanh trong những năm 2024 và 2025. Điều này xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường thương mại điện tử, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp cùng ngành hoặc ngành liên quan tham gia thị trường”, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan nhận định.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và dự báo tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025, đồng hạng với Philippines.

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
Thu đúng và đủ thuế thương mại điện tử
Năm 2024, ngành thuế tiếp tục mở rộng đối tượng nhằm thu đúng, thu đủ thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư