Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Cựu Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám: Tôi không vụ lợi cá nhân
Huệ Nguyễn - 23/10/2023 06:45
 
Nói lời sau cùng trước Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc VEC nhận toàn bộ trách nhiệm về các sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cho rằng không vụ lợi cá nhân.

Sau 7 ngày xét xử, chiều 22/10, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội kết thúc phần tranh luận, 22 bị cáo liên quan tới sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được nói lời sau cùng.

Trình bày trước Hội đồng xét xử, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC Trần Văn Tám dành lời đầu để xin lỗi Đảng, Nhà nước, đã đào tạo bồi dưỡng giúp đỡ ông trong quá trình học tập làm việc trưởng thành, nhưng hôm nay lại phải đứng tại tòa.

Cựu Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám cùng loạt lãnh đạo, cán bộ hầu tòa.

Bị cáo Tám nhận toàn bộ trách nhiệm, nhưng cho hay không có vụ lợi cá nhân liên quan tới những sai phạm về chất lượng, nghiệm thu công trình đã được cơ quan tố tụng kết luận.

Cựu Tổng giám đốc VEC cũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho 21 bị cáo còn lại. Theo bị cáo Tám, họ đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiệt tình lăn lộn ngoài công trình để hoàn thành cao tốc đúng tiến độ như cám kết với nhà tài trợ quốc tế.

“Hôm nay họ ngồi đây, không thể nào ngờ rằng trước đó từng vui mừng vì hoàn thành nhiệm vụ, nhưng hôm nay đứng đây, nói những lời sau cùng”, bị cáo Trần Văn Tám ngậm ngùi.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu Phó tổng giám đốc VEC cho biết, đã hơn 650 ngày trôi qua kể từ khi nói lời sau cùng trong vụ án giai đoạn 1. Từ đó đến nay, bản thân luôn trăn trở, hối hận nhiều.

Bị cáo Hùng cho rằng, mình và 21 bị cáo đứng tòa, đều là những “con người kỹ thuật” rạch ròi đúng sai, nên “thường cứng nhắc, khô khan đến nỗi người nhà còn phải nói chúng tôi thiếu mềm dẻo, dễ thiệt thân, nhưng chúng tôi tự hào, dân kỹ thuật chỉ biết say mê làm”.

Theo cựu Phó tổng giám đốc VEC, 36 bị cáo thuộc giai đoạn 1 và 22 bị cáo ở giai đoạn 2 đều coi việc được làm dự án cao tốc trọng điểm quốc gia là một vinh dự trong đời. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc – Nam, nên ông và đồng nghiệp chỉ mong thực hiện nhiệm vụ, sớm đưa cao tốc vào khai thác, mang lại hiệu quả phát triển đất nước.

Theo bị cáo Tám, hiệu quả của nó đã được minh chứng, mang lại những lợi ích không đong đếm được bằng hiệu quả kinh tế. “Dù đã cố gắng hết mức nhưng kết quả là đến nay chúng tôi vẫn sai, vẫn đứng đây, nói lời sau cùng đến lần thứ hai”.

Bị cáo cũng mong tòa đưa ra phán quyết khoan hồng nhân đạo, đặc biệt là với 6 bị cáo đã bị xét xử đến lần thứ hai, vì tuy tất cả họ đều vi phạm, song “hoàn toàn có mục đích trong sáng”.

Cựu Giám đốc chất lượng gói thầu A4 Đỗ Quốc Vượng bày tỏ: “Được làm cao tốc này, với bị cáo không chỉ là vinh dự, mà còn là một dấu ấn mà những người làm xây dựng như mình, muốn để lại trong đời.

Dù đặc thù công việc vất vả, xa nhà, vợ con, cha mẹ không ai chăm sóc, nhưng bị cáo và các đồng nghiệp luôn hết mình vì đất nước và công việc, không phút giây vụ lợi”.

Các bị cáo tại tòa.

Theo hồ sơ vụ án, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có chi phí đầu tư 34.516 tỷ đồng, được Chính phủ phê duyệt, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Tổng công ty VEC) làm chủ đầu tư.

Quá trình đầu tư xây dựng, nghiệm thu dự án được xác định có nhiều tồn tại, vi phạm nghiêm trọng dẫn đến chất lượng thi công không đảm bảo, nên chỉ sau thời gian ngắn đưa vào khai thác sử dụng, tuyến đường đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng tới quá trình vận hành, an toàn giao thông.

Theo đó, tại giai đoạn 1 của dự án, 36 đối tượng thuộc chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã có hành vi vi phạm quy định về đầu tư, xây dựng, dẫn tới chất lựng công trình không đảm bảo, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 812 tỷ đồng.

Trong khi đó, quá trình triển khai giai đoạn 2 với tổng chiều dài hơn 74 km, từ thành phố Tam Kỳ đến thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Cơ quan điều tra cũng xác định, nhiều lãnh đạo Tổng công ty VEC gồm ông Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào là 2 cựu Phó tổng giám đốc; Hoàng Việt Hưng và Nguyễn Tiến Thành, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Theo đó, các bị cáo này và 16 đồng phạm thuộc các nhà thầu thi công dự án, đơn vị tư vấn giám sát thi công đã không tuân thủ quy định từ khâu lựa chọn vật liệu nguồn, thiết kế phối trộn, thi công thử đến thi công đại trà các lớp vật liệu;

Khi tiến hành nghiệm thu không thực hiện đo cường độ mô đun đàn hồi trên các lớp vật liệu; nhiều hạng mục thi công vẫn được nghiệm thu dù vắng mặt đại diện Ban Quản lý dự án.

Thêm vào đó, dù dự án được thi công từ năm 2014, nhưng đến tháng 12/2016, ông Mai Tuấn Anh mới ký quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu cơ sở. Sau khi thành lập, hội đồng này cũng không tiến hành đánh giá chất lượng các hạng mục thi công hoàn thành trước đó.

Ngoài ra, các bên có trách nhiệm nghiệm thu cũng không thực hiện đúng quy trình nghiệm thu, dẫn đến các hạng mục hoàn thành không kiểm soát được chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án; gây hư hỏng khi vận hành khai thác.

Hội đồng xét xử đánh giá vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần nghị án dài ngày. Dự kiến, sáng 27/10 tới sẽ tuyên án.

“Rút ruột” đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, 22 bị cáo hầu tòa
Trước cáo buộc để xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình thi công Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, gây thất thoát hơn 460 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư