Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đã có án lệ đầu tiên cho bảo hiểm nhân thọ
 
Sau 3 năm thực hiện công tác án lệ, lần đầu tiên nội dung một số tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm đã được tòa án đưa vào án lệ, trong đó có vấn đề hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi bên mua không đóng phí do lỗi của doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật TNHH Tam Anh), trong lĩnh vực bảo hiểm, tranh chấp xung quanh vấn đề hiệu lực hợp đồng bảo hiểm là tranh chấp phổ biến nhất. Việc tranh chấp có thể xuất phát từ cả hai bên - nhà bảo hiểm và khách hàng.

Đôi khi, công ty bảo hiểm khởi kiện để buộc khách hàng phải trả phí bảo hiểm, trong khi khách hàng cho rằng hợp đồng không phát sinh hiệu lực nên không đóng phí. Hoặc khách hàng kiện công ty bảo hiểm khi cho rằng, hợp đồng có hiệu lực và đã xảy ra sự kiện bảo hiểm, yêu cầu công ty phải bồi thường.

Về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, Khoản 2, Điều 23 - Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt nếu bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm, hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Như vậy, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt nếu khách hàng không đóng đủ, đóng đúng theo thỏa thuận.

“Thực tế là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có thời gian thực hiện kéo dài, việc đóng phí được chia thành nhiều đợt nên tình trạng khách hàng không đóng phí bảo hiểm đúng hạn xảy ra khá phổ biến”, Luật sư Chi nhận xét.

Theo Luật sư Chi, nguyên nhân có thể xuất phát từ phía khách hàng, nhưng cũng có nhiều trường hợp khách hàng không đóng phí lại do lỗi của công ty bảo hiểm. Đó có thể là do đại lý bảo hiểm thu phí không đúng hạn, hoặc do đại lý bảo hiểm nghỉ việc, người tiếp nhận công việc chưa đến thu phí...

Nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian đại lý bảo hiểm chưa đến thu phí thì rất dễ xảy ra tranh chấp, mà trường hợp khởi kiện đòi bồi thường của bà Phạm Thị T. ở TP. Hồ Chí Minh mới đây là một ví dụ.

Cụ thể, chồng bà Phạm Thị T. có ký 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ P. Theo hợp đồng, ngày phải nộp tiền đợt 2 là ngày 24/6/2005 và được gia hạn 2 tháng, tức ngày cuối cùng phải nộp phí là ngày 24/8/2005.

Tuy nhiên, đến ngày 27/8/2005 thì chồng bà T. đột tử. Do đó, bà T. yêu cầu công ty bảo hiểm phải bồi thường 426 triệu đồng theo hợp động đã ký, bao gồm số tiền bảo hiểm và tiền lãi chậm trả.

Công ty bảo hiểm từ chối nghĩa vụ bảo hiểm vì cho rằng, chồng bà T. đã không đóng phí đúng hạn, nên theo quy định, hợp đồng sẽ tự động hết hiệu lực. Còn bà T. cho rằng, việc không đóng phí là do lỗi của công ty bảo hiểm không đến thu tiền, chứ không phải bà không đóng.

Bà Vũ Thị Minh N., người bán bảo hiểm cho chồng bà T. và là đại lý của công ty bảo hiểm thừa nhận, theo thỏa thuận, đến kỳ thu phí bảo hiểm, bà N. sẽ trực tiếp thu phí tại nhà vợ chồng bà T. Nhưng đến kỳ hạn cuối thu tiền, bà N. phải đi học chính trị ở tỉnh nên không thu phí được. Việc không nộp tiền được là do khách quan.

Tòa cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị T., nhưng ở cấp phúc thẩm, tòa án cho rằng, việc chồng bà T. chưa đóng phí đợt 2 không phải lỗi của khách hàng.

Lý do khách hàng không đóng phí bảo hiểm là do nhân viên công ty không đến thu phí. Điều này cũng thể hiện tại trang 5, quyển "Những thông tin khách hàng cần biết", trong đó nêu rõ việc thu phí tại nhà gồm có thu phí hàng quý, hàng 6 tháng, hàng năm, hoặc cùng một địa chỉ có từ 2 hợp đồng trở lên, phù hợp với trường hợp của chồng bà T. đã mua 3 hợp đồng của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ P.

Do đó, tòa án phúc thẩm cho rằng, yêu cầu của bà T. buộc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ P. phải chi trả tiền bảo hiểm khi chồng bà T. tử vong do tai nạn là có cơ sở để chấp nhận.

Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi, từ án lệ này, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp khách hàng không đóng phí do lỗi của của công ty bảo hiểm sẽ được thống nhất. Nếu như trước đây nhận định của các cấp tòa án còn có cách hiểu và cách vận dụng khác nhau về hiệu lực hợp đồng, thì với án lệ này, các cấp tòa án sẽ thống nhất xét xử, tránh việc giải quyết vụ kiện bị kéo dài, khiến đương sự tốn thời gian, chi phí.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Thế cuộc trong tay chiến binh FDI
Trong số 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp đang tung ra sản phẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư