Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đã có những nhân tài từ Silicon dịch chuyển về thị trường khởi nghiệp Việt Nam
Nhung Bùi - 20/02/2023 10:37
 
Nhận định Việt Nam - điểm đến hấp dẫn, tiềm năng cho nhiều nhà sáng lập startup, các quỹ đầu tư nước ngoài không chỉ trên báo cáo, nhưng cũng không hẳn mọi con đường đều thông thoáng.

Đó là một buổi sáng giữa tuần, Vinnie Lauria chở cậu con trai 3 tuổi của mình trên chiếc xe máy, len lỏi qua những con đường chật hẹp, tắc nghẽn của TP. HCM để tới trường. Là nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, vị doanh nhân người Mỹ đã chuyển tới TP. HCM sau một thời gian làm việc ở Singapore và San Francisco.

“Đông Nam Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho toàn cầu trong vòng 10 năm tới và Việt Nam sẽ là trung tâm”, ông chia sẻ trên tờ Bloomberg.

Ông Vinnie Lauria chở con đi học trên xe máy. Ảnh: Bloomberg.

Thỏi nam châm hút vốn ngoại

Trong ấn tượng của nhiều người phương Tây, Việt Nam đơn giản là nơi gia công các sản phẩm cho Nike. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, các nhà sáng lập quốc tế đã chuyển đến Việt Nam khởi nghiệp trong vô vàn lĩnh vực, từ sức khỏe tới tài chính.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 7/2022 của KPMG International và HSBC Holdings, số lượng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch cho đến giữa năm 2022. Một số nhà đầu tư lớn trên thế giới như quỹ Sequoia Capital, Warburg Pincus hay Alibaba Group Holding đã rót vốn vào các startup tiềm năng của mảnh đất hình chữ S.

Vào năm 2021, Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư kỷ lục, lên tới 2,6 tỷ USD thông qua 233 thương vụ, trong khi một năm trước đó, con số này chỉ là 700 triệu USD và 140 thương vụ. Các startup Việt cũng đang cạnh tranh gắt gao với nhiều đối thủ đến từ Đông Nam Á trong vấn đề gọi vốn, khi thu hút 13% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực trong năm 2021, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Theo kế hoạch, đến năm 2023, TP.HCM sẽ trở thành “thỏi nam châm” hút vốn công nghệ, đồng thời hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số chiếm 40% GDP của thành phố.

Trên hành trình đó, nhiều quả ngọt đã bắt đầu xuất hiện. VNG – kỳ lân đầu tiên của Việt Nam đang dự kiến sẽ niêm yết tại Mỹ trong những tháng tới. Hay thời gian gần đây, startup ứng lương linh hoạt Gimo đã gọi vốn thành công 5,1 triệu USD còn hệ sinh thái nông nghiệp Koina cũng gọi thành công 1 triệu USD vốn đầu tư.

Một số chuyên gia nhìn nhận rằng, TP.HCM hội tụ nhiều yếu tố để trở thành thung lũng Silicon tiếp theo. Đó là hệ thống giáo dục chú trọng vào toán và các môn khoa học; một lượng lớn những kỹ sư tài năng trưởng thành sau hơn 10 năm làm gia công phần mềm; chưa kể thành phố này còn là một phần của quốc gia đang có nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất tại châu Á.

Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập quỹ đầu tư Do Venture chia sẻ với Bloomberg rằng, một thập kỷ trước đây, các nhà đầu tư có thể mất tới 6 tháng để tìm hiểu về một khoản đầu tư nào đó. Nhưng giờ, mọi chuyện đã thay đổi.

“Nếu chúng tôi không đưa ra quyết định trong vòng 1 hoặc 2 tháng, những quỹ khác sẽ nhảy vào chốt ngay”, đại diện Do Ventures cho biết, đồng thời tiết lộ mỗi tháng chị gặp gỡ trung bình 10 quỹ ngoại.

Một không gian làm việc chung tại TP.HCM. Ảnh: Bloomberg.

Vẫn còn những gập ghềnh phía trước

Trong bối cạnh hiện tại, vẫn còn nhiều thách thức chờ đón thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm thắt chặt trên quy mô toàn cầu, kết hợp với những khó khăn của môi trường bất động sản trong nước khiến các startup nói chung đối diện với không ít khó khăn.

Ngoài ra, theo Bloomberg, các thủ tục và quy định rườm rà vẫn đang làm khó cho nhiều startup, ví dụ như chính sách xin visa cho người nước ngoài hay việc xác lập quyền sở hữu nếu đó là startup thành lập ở quốc gia khác. Chưa kể, những lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu trên 49% cũng bị giới hạn.

Bất chấp điều đó, những nhà đầu tư nước ngoài như Vinnie Lauria vẫn không lùi bước. Quỹ Golden Gate Ventures của ông đã bắt đầu rót vốn vào Việt Nam kể từ năm 2014 và vào năm ngoái, họ mở văn phòng ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội. Nhà đầu tư người Mỹ tin tưởng rằng, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng, khi mức chi tiêu online của người Việt có thể tăng gấp 5 lần trong 6 năm tới.

Tiến sĩ Nguyễn An Nguyên, Nhà sáng lập Trusting Social, startup trong mảng Fintech chuyên về chấm điểm tín dụng người dùng, cho biết nhiều startup đang tận dụng tốt làn sóng người Việt từ nước ngoài trở về quê hương. Bản thân ông Nguyên cũng về Việt Nam sau khi đã lấy được bằng tiến sĩ kinh tế tại Mỹ. Ông tiết lộ rằng, khoảng 2/3 nhân sự tại Trusting Social có ít nhất một bằng thạc sĩ từ nước ngoài.

“Đó là một cuộc hồi hương quy mô lớn, hay có thể nói là hiện tượng chảy máu chất xám ngược”, ông Nguyên chia sẻ.

Tương tự ông Nguyễn An Nguyên, ông Bình Trần, đồng sáng lập quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures, đã rời Mỹ về Việt Nam vào năm 2020. Ông nhắn nhủ: “Việt Nam hiện vượt xa những gì người nước ngoài có thể tưởng tượng ra. Đây là một thị trường rất mở và ngôn ngữ không phải là rào cản lớn… Bạn sẽ thấy rất nhiều nhân tài trẻ tuổi đang sẵn sàng lên thuyền cùng với startup của bạn”.

GIGAMED “bắt tay” STADA Pymepharco mở rộng thị trường tại Việt Nam
Ngày 14/2, STADA Pymepharco và GIGAMED ký kết hợp tác chiến lược cho mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư