Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Đã có số liệu nợ xấu trái phiếu, BOT, chứng khoán
Nguyễn Lê - 17/05/2022 17:08
 
Những số liệu này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cập nhật trong báo cáo vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
.
Luỹ kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42. (Ảnh minh hoạ của Duy Linh)

Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm là nội dung sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, khai mạc ngày 23/5 tới đây.

Xem xét nội dung này trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu báo cáo rõ về nợ xấu trong các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay BOT; lãi dự thu, sở hữu chéo…

Tại báo cáo chính thức trình Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng (thừa ủy quyền Thủ tướng ký) cho biết, đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng là 2.076.700 tỷ đồng (trong đó bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản là 34.700 tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.

Đối với lĩnh vực tiêu dùng, đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng tiêu dùng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 2.081.900 tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng là 48.650 tỷ đồng, chiếm 25,8% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,34%.

Với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10.934,3 tỷ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.

Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.

Cũng đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT là 114.300 tỷ đồng, chiếm 1,09% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, theo báo cáo, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Trong 380.200 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì: xử lý nợ xấu nội bảng  là 196.900 tỷ đồng (chiếm 51,79%);  Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100.800 tỷ đồng (chiếm 26,51%); xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.500 tỷ đồng (chiếm 21,70%).

Một số yêu cầu khác Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu báo cáo bổ sung cũng đã được Thống đốc thực hiện. Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Quốc hội cần bức tranh nợ xấu rõ nét hơn
Chính sách thí điểm xử lý nợ xấu có được gia hạn và gia hạn bao lâu vẫn cần chờ quyết định của Quốc hội và quyết định này cần dựa trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư