Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 04 năm 2025,
Đã đến lúc du lịch Việt Nam thành điểm đến đáng sống, đáng yêu và đáng nhớ
Hồ Hạ thực hiện - 25/04/2025 08:25
 
Theo TS. Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch xanh Việt Nam (VGTA), đã đến lúc Việt Nam vươn mình, thực sự trở thành điểm đến đáng sống, đáng yêu và đáng nhớ.
TS. Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch xanh Việt Nam (VGTA).

Thưa ông, đâu là “cửa ngõ” để Việt Nam thu hút khách quốc tế có mức chi tiêu cao?

Đó là chính sách visa. Đây là “cửa ngõ” đầu tiên mà du khách tiếp xúc. Nếu cánh cửa đó khó mở, thì dù điểm đến có hấp dẫn, cũng khó mà thu hút khách du lịch. Dù đã có bước tiến, nhưng so với Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn khá hạn chế. Việc miễn thị thực cho khách từ một số quốc gia châu Âu là tích cực, nhưng theo tôi, số lượng quốc gia đó cần được nhân 3. Với khách cao tuổi, nghỉ dưỡng dài hạn, nên cân nhắc các loại “visa vàng”, visa 5 - 10 năm hoặc visa đầu tư linh hoạt, thân thiện hơn để thu hút và giữ chân họ.

Trong phát triển du lịch cao cấp, ông thường nhấn mạnh điểm đến xanh. “Xanh” ở đây nên hiểu như thế nào?

“Xanh” không chỉ là môi trường sạch, mà còn là cách quản lý văn minh, thái độ thân thiện, giá trị văn hóa nguyên bản và phát triển hài hòa với cộng đồng. Đó là tổng hòa của 3 yếu tố ESG: môi trường, xã hội và quản trị. Không thể thu hút nhóm khách chi tiêu cao, những người yêu thiên nhiên, tôn trọng văn hóa bản địa, nếu bãi biển đầy rác, hệ sinh thái bị phá vỡ vì phát triển nóng...

Vậy theo ông, giải pháp phát triển điểm đến bền vững và chuyên nghiệp là gì?

Theo tôi, cần có các tổ chức quản lý điểm đến bài bản và có tầm nhìn dài hạn. Hiện nhiều nơi còn phụ thuộc vào ý chí cá nhân. Có lãnh đạo quan tâm, thì làm tốt; còn không thì bỏ ngỏ. Du lịch không thể phát triển nếu chỉ làm theo cảm hứng.

Điểm đến cần xác định sức chứa tối đa, định hướng phân khúc khách hàng phù hợp, đo lường các chỉ số xanh định kỳ và công khai ra quốc tế. Khi từng địa phương có thể tự hào nói rằng, địa phương mình là điểm đến xanh nhất Việt Nam, lúc đó, chúng ta mới có một thương hiệu quốc gia bền vững.

Ông có thể tiết lộ, LuxGroup đang thu hút khách trong phân khúc cao cấp bằng sản phẩm, dịch vụ nào?

Từ năm 2015, Lux Travel DMC, thành viên chủ chốt của LuxGroup, đã kiên trì phát triển bền vững, bắt đầu từ chứng nhận Travelife Engaged, chứng nhận Partner (2023) và đến đầu năm nay là Travelife Certified - cấp cao nhất, với gần 250 tiêu chí về môi trường, nhân quyền và trách nhiệm xã hội.

Chúng tôi đầu tư vào du thuyền cao cấp, tour cá nhân hóa kết hợp ẩm thực, văn hóa, thiên nhiên. Với khách hạng sang, tiền chỉ chiếm 5% quyết định đến Việt Nam; 95% sẽ căn cứ vào chất lượng dịch vụ tại điểm đến, sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân lực du lịch, trải nghiệm giàu cảm xúc…

Theo ông, “nút thắt” nào khiến du lịch Việt Nam chưa thể cất cánh như kỳ vọng?

Có 5 điểm nghẽn lớn: chính sách thiếu ổn định và chưa hỗ trợ doanh nghiệp; chất lượng nhân lực, đặc biệt là nhân lực phục vụ khách cao cấp; sản phẩm chưa đủ đặc sắc, cá nhân hóa; xúc tiến quảng bá thiếu chiến lược và chuyển đổi số chưa mạnh. Phát triển du lịch thời 4.0 là phải dựa trên dữ liệu, không thể chỉ theo cảm tính hay kinh nghiệm cá nhân.

Ông đánh giá thế nào về khả năng Việt Nam trở thành “siêu cường du lịch xanh” trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu?

Tôi tin, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “siêu cường du lịch xanh” nếu làm thật và làm đến nơi. Việt Nam có 4 trụ cột mạnh: ẩm thực, văn hóa, thiên nhiên và con người, nhưng để thực  sự trở thành “siêu cường du lịch xanh”, phải có hành động đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ tiêu chí du lịch xanh gồm 100 tiêu chí bắt buộc và tự nguyện. Nếu triển khai nghiêm túc, có thể tạo ra “cuộc đua xanh” giữa các tỉnh, một cuộc đua tích cực, lành mạnh và tạo giá trị thực. Đã đến lúc Việt Nam vươn mình thành siêu cường du lịch xanh. Bởi, du lịch xanh là con đường khó, nhưng nhất định phải đi.

Vậy còn mối quan hệ giữa phát triển du lịch và tăng trưởng kinh tế quốc gia thì sao, thưa ông?

Du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ. Du khách nước ngoài mang theo tiền và chi tiêu tại Việt Nam, không cần container hay thuế xuất nhập khẩu. Đây là lợi thế lớn trong bối cảnh cán cân thương mại căng thẳng. Chúng ta có thể tăng đóng góp của du lịch vào GDP lên trên 10%, nếu biết cách làm. Đặc biệt, nên tập trung vào thị trường Âu, Mỹ - nhóm khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, yêu thích du lịch xanh.

Theo ông, để phát triển du lịch xanh thực chất, cần chuyển đổi những gì?

Tôi cho rằng, cần 3 chuyển đổi lớn: tư duy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Muốn đi xa, phải có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.Việt Nam cần coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, bao trùm - tác động đến nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, công nghệ, văn hóa. Khi đặt đúng vai trò, du lịch sẽ lan tỏa giá trị tích cực tới toàn nền kinh tế.

Du lịch Việt Nam làm gì để xóa tính mùa vụ?
Tính mùa vụ khiến du lịch Việt Nam lúc quá tải, khi lại đìu hiu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh và mục tiêu phát triển bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư