Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đà Lạt - thủ phủ du lịch của Tây Nguyên
Huỳnh Quế Sơn - 11/04/2013 13:16
 
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Theo đó, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ là “đô thị du lịch” của Tây Nguyên và là một trong 12 “đô thị du lịch” của cả nước. Điều này nhấn mạnh vai trò và tầm vóc của Đà Lạt trong du lịch tại Tây Nguyên, cũng như của cả nước.

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Đà Lạt có nhiều ưu thế để phát triển du lịch so với các vùng khác trong cả nước. Với núi đồi, hồ thác, rừng thông, rau hoa…, đã từ lâu, Đà Lạt được ví như một thiên đường du lịch không chỉ của riêng Việt Nam.

Chỉ riêng tháng 2/2013, Đà Lạt đón gần 390.000 lượt khách, tăng 35% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 698 tỷ đồng, tăng 38%. Điều này càng chứng minh, Đà Lạt chính là điểm đến ưa thích của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, trong các tam giác du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt - Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Chữ - Đà Lạt - TP.HCM.

Nhìn tổng quan Tây Nguyên, Đà Lạt là đỉnh của các tam giác ngược Đắk Nông chạy sang Đắk Lắc đến Gia Lai và Kon Tum, là những địa phương có nhiều ưu thế về du lịch xanh và du lịch văn hóa dân tộc bản địa Tây Nguyên. Trong khi đó, nếu nhìn từ miền Trung và Tây Nam Bộ, thì Đà Lạt cũng là đỉnh của một tam giác có cạnh đáy chạy dài từ Huế cho đến tận Minh Hải. Nếu nhìn ở góc độ con đường xanh Tây Nguyên, thì Đà Lạt sẽ là điểm bắt đầu của “con đường” chạy xuyên qua rừng để đến Đắk Nông, Đắk Lắk, rồi sau đó trải về Gia Lai và Kon Tum.

Theo ông S, ngoài vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Đà Lạt còn có nhiều ưu thế về du lịch là sản phẩm có sự tác động của con người. Đó là một đô thị di sản kiến trúc được đánh giá là có giá trị vào bậc nhất nhì của Việt Nam. Chưa kể, Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa của Việt Nam, thông qua việc được chọn làm nơi tổ chức festival hoa 2 năm một lần.

Theo quy hoạch tổng thể mà Chính phủ ban hành, đến năm 2020, du lịch sẽ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mang tính chuyên nghiệp, với cơ sở vật chất và kỹ thuật đồng bộ và hiện đại. Và đến năm 2030, Việt Nam trở thành một quốc gia có ngành du lịch thực sự phát triển. Qua đó, Việt Nam sẽ dần hình thành 7 vùng du lịch, với 46 khu du lịch quốc gia và 41 điểm du lịch quốc gia. Trong các điểm, khu và vùng ấy, cả nước phải xây dựng được 12 đô thị du lịch, trong đó có Đà Lạt.

Vì vậy, đi đôi với chiến lược nâng dần chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng các dòng sản phẩm để phục vụ du khách, Đà Lạt cần thiết phải phát triển hạ tầng du lịch tương xứng. Trong những năm gần đây, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai tại đây. Gần đây nhất, Khu đô thị Nam Đà Lạt có quy mô 3.445 ha đã bắt đầu khởi động, gồm 38 building, 8 tòa nhà đạt tiêu chuẩn khách sạn 6 sao, khoảng 3.500 biệt thự, 6.800 căn hộ trong 37 building khu Lavender Bay 8, 10, 12 tầng…

Trong năm qua, ngành du lịch tỉnh đã thực hiện tốt 3 chương trình lớn. Trước tiên là chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng. Theo đó, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch các khu và điểm du lịch theo đúng danh mục mà UBND tỉnh thông báo. Tiến hành thống kê, kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện quy hoạch, đầu tư tại 32 khu và điểm du lịch, cũng như đề xuất biện pháp xử lý, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Theo thống kê, Lâm Đồng hiện có trên 500 cơ sở lưu trú và 6.100 phòng, 32 điểm và khu du lịch, trong đó có khu đồi Mộng Mơ vốn đầu tư 10 tỷ đồng, rừng Madagui có vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, thác Pongour trên 2 tỷ đồng và thác Prenn 2 tỷ đồng…

Ông Trần Thế Việt, Phó giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Lâm Đồng cho biết, để phát triển du lịch có chiều sâu, Lâm Đồng đang tính đến việc gia tăng công tác quy hoạch. Theo đó, gắn quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với quy hoạch sinh thái và gắn quy hoạch phát triển du lịch thông thường với quy hoạch du lịch sinh thái.

“Lâm Đồng tới đây sẽ thực hiện dự án đánh giá lại tài nguyên động thực vật, các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, để có thể xác định những điểm cần bảo tồn và gìn giữ. Về lâu dài, cần đưa ra quy hoạch 3 khu du lịch lớn gồm khu Nam Cát Tiên, khu vực hồ Tuyền Lâm, khu vực Bidup núi Bà”, ông Việt nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư