Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng: Ảnh hưởng Covid-19, kinh tế 6 tháng giảm mạnh
Việt Hương - 30/06/2020 13:58
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội TP. Đà Nẵng đều giảm và âm, dẫn đến chỉ số tăng trưởng kinh tế đạt mức âm.

Ảnh hưởng Covid-19, kinh tế Đà Nẵng sụt giảm mạnh

Trong bối cảnh kinh tế cả nước chịu áp lực lớn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, và là thành phố du lịch - dịch vụ, kinh tế Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 96,39% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm (-3,61%) kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (tháng 1/1997).

Sáng 30/6, tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Đà Nẵng, Cục thống kê thành phố Đà Nẵng cho hay, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Đà Nẵng (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng kinh tế âm kế từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (từ năm 1997).

Cục thống kê thành phố Đà Nẵng cho hay, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Đà Nẵng (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước.
Cục thống kê thành phố Đà Nẵng cho hay, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Đà Nẵng (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mức sụt giảm khu vực dịch vụ là 4,62%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,8%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 2,4%. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,28%.

Cục thống kê TP Đà Nẵng thông tin: Trong 6 tháng đầu năm 2020, quy mô toàn nền kinh tế TP Đà Nẵng ước đạt 51.072 tỷ đồng, thu hẹp hơn 917,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp hơn 261 tỷ đồng; thuế sản phẩm thu hẹp 12,4 tỷ đồng. Kết quả, quy mô nền kinh tế TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 xếp thứ 16/63 tình/thành.

Theo Cục thống kê Đà Nẵng do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao vì nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Theo kết quả sơ bộ điều tra lao động-việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung toàn TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm là 7,24%; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 7,55% (so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 2,89%).

"Tính đến 5/2020, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 179.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ không lương; 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hơn 24.000 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng", Cục thống kê thành phố Đà Nẵng cho hay.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, đứng trước bức tranh kinh tế u ám do Covid-19, Cục Thống kê cùng các đơn vị liên quan đã lên xây dựng 3 kịch bản cho kinh tế Đà Nẵng 6 tháng cuối năm 2020 và sẽ trình HĐND thành phố thảo luận, thông qua kịch bản chính thức vào kỳ họp HĐND vào tuần tới (6 - 8/7/2020). Từ kịch bản được lựa chọn thông qua, Đà Nẵng sẽ lấy làm căn cứ để đẩy mạnh các hoạt động khôi phục kinh tế.

“Các kịch bản được đưa ra dựa trên 5 trụ cột chính, trong đó quan trọng nhất là lấy hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm trọng tâm”, ông Vũ cho hay và cho biết thêm, trong 3 kịch bản cũng có dự báo kỳ vọng GRDP Đà Nẵng năm 2020 có thể tăng trưởng dương. "Tuy nhiên, lựa chọn kịch bản nào chưa phải vấn đề quan trọng nhất. Do Việt Nam đang hội nhập sâu rộng nên việc lựa chọn kịch bản và tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào việc khống chế dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới", ông Vũ nói.

Đà Nẵng cũng đưa ra 6 giải pháp chung để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành giao thông, du lịch. Thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giãn, khoanh nợ thuế, giảm thuế xuất nhập khẩu, trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, tiếp tục xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có chính sách tín dụng thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất suy giảm tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ; có các cảnh báo về thiên tai, rủi ro, thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư