Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đà Nẵng cần bổ sung 7.500 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm
Thanh Chung - 30/11/2022 14:46
 
Sáng 30/11, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng".

Tọa đàm nhằm mục đích thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố, triển khai Đề án "Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, thời gian qua, công nghệ thông tin với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP Đà Nẵng.

Tổng doanh thu toàn ngành CNTT – TT Đà Nẵng năm 2022 ước gần 34.300 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng gần 12% so cùng kỳ 2021. Đặc biệt, theo Báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,6%).

a
Giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng cần bổ sung khoảng 7.500 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm. Ảnh minh họa

“Đà Nẵng xác định công nghiệp công nghệ thông tin là nền tảng vững chắc để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thành phố, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh", bà Yến nói.

Theo bà Yến, thành phố nhận thức rõ rằng hơn lúc nào hết, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng bền vững của kinh tế thành phố. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, thành phố xác định bên cạnh môi trường chính trị - xã hội ổn định, môi trường pháp lý thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lợi thế quyết tính tranh của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, đến cuối năm 2021 trên địa bàn ước tính có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, trong đó phần lớn tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Theo tính toán, nhu cầu thực tế nhân lực CNTT tại Đà Nẵng cần khoảng 77.000 người. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng, giai đoạn 2022 - 2025 cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm; giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.

“Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào giải quyết cung cầu nhân lực CNTT giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường bảo đảm sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng”, ông Thạch cho hay.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thành Bắc– Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hiện nay, nguồn nhân lực ngành CNTT đào tạo từ các trường đại học trong nước về cả số lượng và chất lượng đều chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thành Bắc cho hay, việc gắn kết nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục những khó khăn về đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành, thực tập, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên và rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết với thực tế doanh nghiệp yêu cầu.

“Thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNTT nói riêng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khách quan, cần được cả nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp thực sự chú trọng để phát huy, khai thác các lợi ích, lợi thế từ gắn kết này, từ đó đem lại động lực mới, trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước”, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thành Bắc nói.

Đà Nẵng hướng đến trung tâm tài chính khu vực
Để tạo động lực bứt phá trong giai đoạn tới, Đà Nẵng đang tích cực triển khai các định hướng, giải pháp quan trọng với mục tiêu trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư