Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đà Nẵng hiện thực hóa khát vọng về trung tâm công nghiệp công nghệ cao
Linh Đan - 29/11/2022 10:40
 
Đà Nẵng đã và đang hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thành phố trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn cùng những dự án quy mô trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine 	ảnh: linh đan
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine      Ảnh: Linh Đan

“Thỏi nam châm” hút vốn

Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang là “thỏi nam châm” thu hút mạnh mẽ các các nhà đầu tư nước ngoài tên tuổi với những dự án quy mô. Một trong những “điểm sáng” không thể không nhắc đến là Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD.

Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã hoàn thành tiến độ giai đoạn I, nhiều lô hàng chất lượng cao đã được xuất khẩu tới châu Âu, Malaysia, Bắc Mỹ.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, Tập đoàn UAC vẫn xuất khẩu đạt 25 triệu USD, dự kiến năm 2022 đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 sẽ đạt hơn 180 triệu USD. Đây là những con số ấn tượng, minh chứng cho tinh thần nỗ lực, đầu tư có trách nhiệm của Tập đoàn UAC.

Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine được xây dựng trên diện tích 16,7 ha, công suất thiết kế 12.470 tấn/năm, vận hành theo quy trình khép kín, được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Hệ thống Quản lý an toàn quốc tế…

Dự kiến, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi các Dự án mới đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng bắt đầu hoạt động và phát huy năng lực sản xuất.

-  Liên danh Tư vấn quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Trong đó, giai đoạn I có diện tích 10,9 ha, mặt bằng khu sản xuất 4,7 ha, quy hoạch thành các phân khu sản xuất các bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, sản xuất nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm.

Tập đoàn UAC là nhà sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ hàng đầu trên thế giới, đã đạt được chứng nhận quản lý chất lượng hàng không AS9100, đang gia công các linh kiện phức tạp từ hợp kim nhôm, phục vụ nhiều thị trường trên thế giới.

Đến thăm Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine vào ngày 26/6/2022 nhân sự kiện Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Hoạt động tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng từ tháng 5/2019, Công ty ICT Vina có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD (từ Hàn Quốc) chuyên sản xuất thiết bị nha khoa kỹ thuật số và răng cấy nhân tạo, chủ yếu để xuất khẩu. Tổng giám đốc ICT Vina, ông Lee Hyung Seok cho biết: “Thời gian giải quyết thủ tục đầu tư của chính quyền Thành phố rất nhanh, chúng tôi dự kiến mất 12 tháng, nhưng chỉ sau 8 tháng đã hoàn thành. ICT Vina có thể xuất khẩu hàng hóa thẳng từ Đà Nẵng ra các thị trường trên thế giới”.

Hiện thực hóa khát vọng

Theo đánh giá của Liên danh Tư vấn quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực mới, đồng thời là lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên tập trung thu hút đầu tư phát triển tại Đà Nẵng. Đáng chú ý, giai đoạn 2016 - 2020, giá trị gia tăng cũng như tỷ trọng giá trị gia tăng của công nghiệp công nghệ cao trong toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng tăng dần hàng năm.

Về phương án phát triển, Liên danh cho rằng, Đà Nẵng cần hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng có liên quan đến phát triển công nghiệp một cách hợp lý, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; có hiệu quả sử dụng đất cao, đáp ứng cơ bản các nhu cầu về đất đai, mặt bằng sản xuất cho phát triển ngành công nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; đảm bảo môi trường, hệ sinh thái; tạo được các liên kết ngành hiệu quả bên trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và giữa các khu công nghiệp, công nghệ cao với nhau.

Trong từng khu, Đà Nẵng có thể xây dựng định hướng phát triển mang tính ổn định và dài hạn về ngành nghề thu hút đầu tư; đối tượng thu hút đầu tư; hoạt động của các phân khu chức năng; phát triển nhà xưởng cao tầng để tiết kiệm quỹ đất; hình thành các cụm nhà xưởng xây sẵn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ có điều kiện khởi nghiệp thuận lợi và tạo nên các liên kết vệ tinh ngay trong nội bộ các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp…

Trong Dự thảo Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị thấp; hạn chế, tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Trong đó, Đà Nẵng muốn phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa, công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…

Khu công nghệ cao Đà Nẵng có dự án mới hơn 1.300 tỷ đồng
Khu công nghệ cao Đà Nẵng sắp có nhà máy sản xuất bảng mạch in vốn đầu tư hơn 1.366 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư