Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng: Cảng biển, bầu trời… rộn ràng đón Xuân
Hà Minh - 10/02/2019 09:13
 
Cảng biển Tiên Sa đón hàng ngàn du khách, trong khi những đường bay mới đưa thêm nhiều du khách đến với Đà Nẵng. Dưới mặt đất, nhiều dự án lớn đang được lên kế hoạch triển khai...
TIN LIÊN QUAN
Năm 2018, Đà Nẵng liên tiếp đón các hãng hàng không mở các đường bay mới trực tiếp đến những thành phố du lịch nổi tiếng.
Năm 2018, Đà Nẵng liên tiếp đón các hãng hàng không mở các đường bay mới trực tiếp đến những thành phố du lịch nổi tiếng.

Tàu biển cập cảng

Ngày cuối năm 2018, tàu Costa Atlantica đưa hơn 2.000 du khách đầu tiên cập cảng Đà Nẵng. Những nụ cười thân thiện, những bước chân ngập ngừng và những bó hoa tươi thắm được trao cho khách như gửi đến thông điệp về một Đà Nẵng mến khách và chân tình.

Ông Zhao Jing Hua, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cảng biển, tàu biển Shekou - tập đoàn nhà nước về ngành đường biển của Trung Quốc đã không giấu được cảm xúc trước sự đón tiếp nồng hậu này: “Cảm ơn các bạn! Các bạn đã cho chúng tôi cảm giác rất ấm áp”.

Costa Atlantica thuộc Tập đoàn Carnival với hải trình qua các cảng chính là Dubai, Singapore, Thượng Hải. Costa Atlantica có tải trọng hơn 85.619 tấn, sức chứa 2.114 hành khách. Tàu gồm 10 boong tàu sang trọng với thiết kế nổi bật và cổ điển được truyền cảm hứng từ đạo diễn nổi tiếng người Italy Federico Fellini. Mỗi boong tàu được đặt tên theo những bộ phim của Federico Fellini như La Dolce Vita, La Strada...

Costa Atlantica có tổng cộng 1.057 khoang, gồm 58 căn hộ và 660 phòng riêng với ban công hướng biển. Từ năm 2016, những robot Peper gia nhập thủy thủ đoàn phục vụ hành khách. Peper sẽ chào đón và hướng dẫn du khách trong suốt hành trình bằng việc cung cấp thông tin và lời khuyên về các hoạt động trên tàu.

Ông Lý Đắc Nam, Giám đốc Công ty Khang Huy Holiday, đại lý lữ hành tàu Costa Atlantica cho biết: “Khách tàu Costa Atlantica đến Đà Nẵng thường dành một ngày thăm thành phố, sau đó ghé thăm Hội An. Với lượng khách lớn được đón cùng lúc, việc phân luồng giao thông đôi lúc gặp khó khăn, nhất là trong dịp lễ tết”.

Cũng theo ông Nam, đa số khách tàu biển có điều kiện về kinh tế và đã trải nghiệm nhiều điểm đến trên thế giới, nên Đà Nẵng cần có thêm những điểm vui chơi quy mô lớn và có bản sắc riêng để thu hút và tạo ấn tượng cho du khách.

Để sẵn sàng cho tăng trưởng khách du lịch tàu biển, từ tháng 7/2018, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã khánh thành và đưa vào hoạt động Dự án Mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II với 2 cầu cảng (số 6 và số 8), tạo thuận lợi cho tàu du lịch cập cảng. Cùng với việc chuyển đổi, nâng cấp cảng Tiên Sa thành cảng chuyên phục vụ khách tàu biển, Đà Nẵng lần đầu tham gia quảng bá điểm đến và kết nối đối tác tại Hội nghị Tàu biển quốc tế Seatrade 2018 tổ chức tại Thượng Hải, đồng thời tổ chức Hội nghị Quốc tế về phát triển du lịch tàu biển tại Đà Nẵng vào tháng 11/2018 để cùng các chuyên gia du lịch tàu biển và các doanh nghiệp du lịch thảo luận về kế hoạch thu hút khách du lịch tàu biển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2018, Đà Nẵng đã đón 100 chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa với khoảng 145.000 lượt, tăng 66% so với năm 2017. Trong năm 2018, có khoảng 7,6 triệu lượt khách du lịch đến Đà Nẵng.

Mở mới nhiều chặng bay

Trong khi cảng biển đón tàu du lịch lớn, thì bầu trời Đà Nẵng đón thêm nhiều chuyến bay. Mỗi đường bay mới được kết nối là Đà Nẵng lại thêm một cơ hội lớn, mở rộng hơn trong quá trình hội nhập. Cách đây ít ngày, chuyến bay UO550 của Hãng hàng không Hongkong Express đã hạ cánh xuống Đà Nẵng, đánh dấu sự kiện mở đường bay mới trực tiếp Đà Nẵng - Hồng Kông.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, có 23 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng đang hoạt động, trong đó có 15 đường bay trực tiếp thường kỳ và 8 đường bay trực tiếp thuê chuyến, với tần suất 328 chuyến/tuần, tăng 86 chuyến so với năm 2017.

Ông Lê Khắc Hồng, Tổng giám đốc AHT chia sẻ, ga đến Quốc tế T2, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017 đã góp phần tạo thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của mạng đường bay quốc tế đến Đà Nẵng.

Các đường bay trực tiếp thường kỳ được khai thác mới đây nhất là đường bay Doha - Đà Nẵng của Hãng hàng không Qatar Airways, khai trương ngày 19/12/2018 với tần suất 4 chuyến/tuần và đường bay Deagu - Đà Nẵng được khai thác hằng ngày bởi Hãng hàng không Jeju Air, bắt đầu từ ngày 22/12/2018. Với việc mở rộng mạng đường bay, lượng khách du lịch đường hàng không đến Đà Nẵng trong năm 2018 đạt 2,35 triệu lượt, tăng tới 48,7% so với năm 2017.

Có mặt trên chuyến bay của Hãng hàng không Air Asia từ Malaysia đến Đà Nẵng, anh Ross Stella (quốc tịch Anh) chia sẻ, ban đầu, anh có kế hoạch đi một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, nhưng sau được bạn bè giới thiệu và tìm hiểu, nên thay đổi lịch trình và chọn Đà Nẵng làm điểm đến. “Những đường bay thẳng khá tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách”, Ross Stella nói.

Mỗi ngày, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đón hàng chục chuyến bay đến và đi Hàn Quốc. Chị Lee Hyun Chin, du khách Hàn Quốc cho biết, giới trẻ Hàn Quốc biết đến Đà Nẵng với những bãi biển đẹp, danh thắng nổi tiếng như Bà Nà Hills hay Phố cổ Hội An..., nên rất muốn đến tìm hiểu, thưởng ngoạn. “Hiện nay, các đường bay thẳng từ các thành phố lớn của Hàn Quốc đến Đà Nẵng rất nhiều, chúng tôi có thể thoải mái lựa chọn giờ bay, sắp xếp thời gian đi du lịch phù hợp. Tôi biết, có nhiều người một vài năm lại đi Đà Nẵng một lần, vì nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn có nhiều món ăn ngon”, chị Lee Hyun Chin nói.

Tạo đà cho nhiều dự án lớn

Ngay đầu năm 2019, Đà Nẵng đón nhận tin vui khi Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Theo đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP. Đà Nẵng, trước mắt, giao UBND Thành phố đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Cùng với Dự án cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng đang đưa Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn công suất đốt rác 1.000 tấn/ngày và bãi chôn lấp kỹ thuật để xử lý trữ lượng chất thải rắn vượt công suất đốt cùng tro xỉ từ đốt rác vào đường găng tiến độ. “Với tiến độ như hiện nay, thì sớm nhất là năm 2024, Dự án mới có thể đi vào hoạt động, nên lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ngành xin ý kiến của các bộ, ngành rút ngắn thời gian triển khai Dự án”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết.

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn có tổng mức đầu tư 189 triệu USD (khoảng 4.200 tỷ đồng), hứa hẹn sẽ giải quyết bài toán xử lý chất thải rắn của Đà Nẵng trong tương lai.

Một dự án khác là Nhà máy Nước Hòa Liên, công suất 120.000 m3/ngày đêm, cũng đang được Đà Nẵng cấp bách triển khai nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng nước của Thành phố, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo đảm cuộc sống của người dân và các điều kiện về kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Dự án Nhà máy Nước Hòa Liên sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn cân đối trong tổng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2016 - 2020, với tổng mức đầu tư là 1.170 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư