Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng khơi lại dòng chảy FDI
Hoàng Anh - 20/03/2023 09:10
 
Đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút 7 tỷ USD vốn FDI, Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để chặn đà suy giảm, lấy lại sức hút với dòng vốn này.
Ảnh minh họa (Internet)

Thu hút FDI sụt giảm

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Đà Nẵng chỉ cấp mới 16 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 2,55 triệu USD, giảm 53,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế đến nay, Đà Nẵng thu hút 965 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 4,065 tỷ USD. Lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nhất là công nghiệp, kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Nhật Bản hiện là quốc gia đứng đầu về tổng vốn đầu tư tại Đà Nẵng, với hơn 900 triệu USD, tiếp theo là Singapore, Mỹ, Hàn Quốc.

Dòng vốn “tỷ đô” rót vào Đà Nẵng chủ yếu trong những năm trước, còn gần đây đang có xu hướng giảm.

Một trong những nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi tới Đà Nẵng tìm cơ hội đầu tư; trong khi xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước tại nhiều quốc gia gia tăng.

Trong các năm 2020, 2021, hầu hết doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng đều kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp (ngành may mặc, sản xuất đồ chơi, sắt thép…) buộc phải cắt giảm lao động. Giai đoạn 2018 - 2022, trên địa bàn Thành phố có 57 dự án FDI chấm dứt hoạt động.

Thêm một lý do nữa được Đà Nẵng chỉ ra là, hầu hết dự án FDI tập trung vào khu công nghiệp (KCN), tuy nhiên, diện tích đất cho thuê tại các KCN trên địa bàn Thành phố hiện đã lấp đầy trên 85%; các khu, cụm công nghiệp mới lại đang trong giai đoạn đầu tư. Thành phố đang thiếu quỹ đất sạch quy mô lớn ở cả trong KCN và ngoài KCN để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư.

Khơi dòng vốn FDI

Đầu tháng 3/2023, lần đầu tiên, Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm Xúc tiến đầu tư tại thị trường UAE, kêu gọi doanh nghiệp ở khu vực Trung Đông này đầu tư vào Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu, các lĩnh vực logistics, du lịch, công nghệ cao, công nghệ thông tin…

Tại buổi Tọa đàm, chuỗi siêu thị LuLu (UAE) bày tỏ sự quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng trung tâm logistics và cho biết sẽ cử đại diện trực tiếp đến khảo sát tại Đà Nẵng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, dù tổng vốn FDI cấp mới vào Đà Nẵng năm 2022 giảm, nhưng việc góp vốn, mua phần vốn góp lại tăng cao, với 51 lượt, tổng giá trị hơn 58 triệu USD, tăng 509,3% so với năm 2021. Điều này minh chứng, Đà Nẵng vẫn nhận được sự quan tâm và lựa chọn của nhiều doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, để khơi lại dòng chảy vốn FDI, Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ hoàn thành và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, hoàn thành thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất sạch, hỗ trợ tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án mà nhà đầu tư đã cam kết.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thiện các dự án hạ tầng về phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics. Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn II, KCN hỗ trợ công nghệ cao Đà Nẵng, mở rộng Khu công nghệ cao. Song song với đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hơn…

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút 7 tỷ USD vốn FDI, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 3 tỷ USD; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 4 tỷ USD. Mục tiêu này được đánh giá là khả thi, vì Đà Nẵng đang có nhiều dự án lớn kêu gọi đầu tư, nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin để đón dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam. Cùng với đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến Đà Nẵng đầu tư”.

Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là động lực giải quyết các “điểm nghẽn”
Thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư